Trong những ngày qua, gia đình của họa sĩ Hoàng Anh (Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang) như sống trong bầu không khí tươi đẹp nhất hơn bao giờ hết. Chỉ riêng họa sĩ Hoàng Anh đã có đến 5 niềm vui chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là những thành quả to lớn mà chính sự mài mò, chăm chút những ý tưởng lạ thường, độc đáo của bản thân mình.
+ Mùa … giải thưởng:
+ Mùa … giải thưởng:
Chúng tôi tìm đến nhà họa sĩ Hoàng Anh khi anh chưa hết bàng hoàng vì chỉ trong thời gian ngắn đã có ngồn ngộn những niềm vui cứ liên tiếp nhận về… Căn nhà của anh nằm sâu trong một con hẻm yên tĩnh ở phường 5, TP Mỹ Tho. Sự ngỡ ngàng đầu tiên khi khách đến nhà của họa sĩ là có hàng ngàn những mặt nạ người làm bằng đất nung hay hàng trăm khối đất nung với nhiều hình dạng khác nhau treo lủng lẳng trên tường, nhà rong hay những căn chòi lá lêu xêu nằm trên khuôn đất khoảng 300m2. Họa sĩ chỉ tay vào từng tác phẩm giải thích cho chúng tôi nghe ý nghĩa của từng tác phẩm của mình. Có những tác phẩm rất phức tạp và cũng có tác phẩm thật đơn giản, nhưng tất cả đều có một ý nghĩa hết sức độc đáo và lạ thường. Hoàng Anh tâm sự: “Xã hội chúng ta có muôn hình vạn trạng nên ở con người cũng có những vẻ mặt khác nhau nhưng đều có chung một ý tưởng là khao khát được tự do, hạnh phúc. Xã hội càng tiên tiến, con người trở nên thấy thiếu vắng bóng dáng của những vật dụng đơn thuần từ đất nung. Để làm hài hòa, trong mỗi ngôi nhà, ở mỗi nước đều có nền văn hóa khác nhau, con người cũng cần đan xen giữa cái hiện đại và cổ đại để tạo nên một bức tranh hoành tráng về một xã hội nhân văn và ý nghĩa hơn. Chính vì vậy, tôi tìm đến gốm là tìm với cội nguồn của văn hóa dân tộc…”.
Đặc biệt, cách đây một tuần (cuối tháng 8-2007), tại TPHCM, họa sĩ Hoàng Anh đã xuất sắc vượt qua 360 tay máy chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư phía Nam để đoạt giải đặc biệt (nhiếp ảnh) với tác phẩm “Bàn tay” tại cuộc thi Canon Photo Marathon Châu Á 2007 – cuộc thi ảnh duy nhất thách thức trí tưởng tượng và chắp cánh cho những sáng tạo mới trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Đạt giải thưởng này, họa sĩ Hoàng Anh được tặng thưởng máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp mới nhất Canon EOS 400D đầy đủ phụ kiện. Đồng thời, đáng mừng hơn hết, Hoàng Anh đại diện cho phía Nam (cả nước có 2 người đoạt giải đặc biệt) được ban tổ chức tài trợ đi Nhật sẽ cùng với các đại diện xuất sắc từ các nước Châu Á tham gia tranh giải thưởng lớn nhất trong cuộc thi ảnh sáng tác nhanh ở Nhật Bản vào cuối năm nay.
Theo Hoàng Anh, tác phẩm vừa vinh dự đoạt giải B khu vực ĐBSCL chính là tác phẩm thể hiện sự mài mò, sáng tạo với mỹ thuật của một người yêu nghề như chính bản thân mình. Tác phẩm “Yêu nghề” thể hiện hàng chục mặt nạ người treo tòong teng ở nhiều hướng khác nhau, với nhiều nét mặt vui buồn, suy tư, say mê, hồn nhiên, châm biếm, sâu sắc,… và một người đang cần mẩn tạo thêm khuôn mặt mới với niềm hy vọng thể hiện được sự yêu nghề để có được một tác phẩm vừa nhân văn vừa ý nghĩa…
+ Con người của ý tưởng … lạ thường:
Trong giới những họa sĩ ở ĐBSCL, Hoàng Anh được xem là một trong những họa sĩ có cái nhìn khác lạ nhất, độc đáo nhất. Hoàng Anh (1951) sinh ra ở tỉnh Nam Định. Lớn lên anh đi bộ đội làm cán bộ tăng cường miền Nam, tham gia vẽ tranh. Năm 1978, anh về công tác tại tòa soạn Báo Văn nghệ Long An. Hơn 15 năm nay, anh về sống tại TP Mỹ Tho và tham gia các hoạt động của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Điều rất lạ ở Hoàng Anh là chọn chất liệu gốm làm đề tài sáng tác của mình. “Một lần đi sáng tác ở Vĩnh Long, các đồng nghiệp nơi đó đã tận tình hướng dẫn tôi đến tham quan ở làng nghề gốm Cổ Chiên. Nhìn thấy những khối đất nung đỏ thẫm, những chậu gốm “vô hình” tôi đã mê ngay, Hoàng Anh tâm sự. Trước kia, Hoàng Anh chủ yếu sáng tác tranh phục vụ tuyên truyền các sự kiện thời sự. Năm 1998-2000, Hoàng Anh đi sâu khai thác các đề tài phong cảnh sinh hoạt như: “Trung thu”, “Lễ hội”, “Một gốc Gò Công”,…Hoàng Anh mới chạm đến các giải thưởng quốc gia. “Lúc đó, tôi mới thấy được sức hấp dẫn của những đề tài và chất liệu mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống”, Hoàng Anh bộc bạch.
Do mỗi khi có ý tưởng mới, Hoàng Anh phải đến tận làng gốm Vĩnh Long để tìm kiếm chất liệu và nung chín nên hiện nay anh đã tự xây dựng một lò nung đất ở chính quê hương Mỹ Tho. Chất liệu đất nung thì Hoàng Anh vận chuyển về từ những nơi có màu đất thích hợp với tác phẩm của mình. Vì vậy, để có một tác phẩm gốm ưng ý, họa sĩ phải trải qua nhiều giai đoạn gian nan và vất vả. Nhiều đêm họa sĩ miệt mài “nắn đất” đến 2 giờ sáng bên một khối đất cao vượt đầu với ngọn đèn công suất lớn hơ nóng đất (để nước không dồn xuống đáy làm tác phẩm sụp đổ), sau đó lại tưới nước cho đất mềm, rồi lại vừa sáng tác vừa làm nóng đất. Điều kỳ diệu là tác phẩm của anh luôn mang hồn Việt, từ khung cảnh sinh hoạt lao động sản xuất đến cả nét mặt hồn hậu, chân chất của nhân vật.
Những giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong năm 2005-2006 cho 2 tác phẩm “Nỗi đau tận cùng” và “Đất lửa” đã chứng minh tài hoa của anh đã thực sự thăng hoa với đất. May mắn nhất trong đời của họa sĩ Hoàng Anh là nhận được sự ủng hộ âm thầm, chân thành và hết lòng của vợ - chị Huỳnh Thị Cúc và các con. Thỉnh thoảng, chị Cúc tham gia viết thư pháp trên nền tảng những tác phẩm của chồng. Mới đây, chị Cúc cũng đã đoạt giải cao của tỉnh. Hoàng Anh có 3 người con gái: đứa lớn đang học chuyên tiếng Pháp, đứa kế đang học công nghệ thông tin và đứa út đang học lớp 7 của một ngôi trường khá nổi tiếng ở Mỹ Tho. Hoàng Anh không chỉ là một họa sĩ mà còn là một nhiếp ảnh gia. Những tác phẩm đất nung hay những bức hình anh chụp đều có một ý tưởng lạ thường. Chia tay Hoàng Anh như chia xa những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những chiếc mặt nạ, vô số bình gốm và tượng người đủ kích cỡ sẽ còn được bày trí khắp “căn nhà ý tưởng” của họa sĩ Hoàng Anh cho thấy anh thực sự hết lòng vì nghệ thuật cũng như hết lòng với đất.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét