Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Một chuyến về nguồn !


Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, được sự đồng thuận và mong mỏi của ông Trương Quang Phú (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long), ông Trần Mộng (Nguyên Trưởng đoàn Văn công Cửu Long) đã triệu tập những thành viên của đoàn văn công ngày xưa... thực hiện chuyến về nguồn. Gần 20 thành viên từ mọi miền đất nước như: Hà Nội, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp, Trà Vinh... tụ họp về. Người lớn nhất có tuổi đời cũng gần 80 tuổi, người nhỏ nhất cũng đã trên 50 tuổi. Cuộc hội ngộ thật đầy đủ và ý nghĩa bởi tất cả mọi người tuy đã trở thành ông bà ngoại, ông bà nội, thậm chí có những người đã là ông bà cố, nhưng vẫn thể hiện những bài hát hào hùng, những điệu múa dẻo dai, uyển chuyển... ở cái tuổi xuân thì.


Gặp lại nhau, mừng... rơi nước mắt:


Theo ông Trần Mộng, sau khi lên kế hoạch liền thông tin cho tất cả mọi người, ai nấy đều gật đầu ngay. Mặc dù những bài hát, những điệu múa ngày xưa đã thấm sâu vào máu huyết của anh em nghệ sĩ, nhưng họ đã tụ họp về trước để tập luyện vào trung tuần tháng 7. Sau gần 2 tuần tập luyện phối hợp với Đội văn nghệ Công an tỉnh Vĩnh Long, chương trình đã hoàn thành với 16 tiết mục, trong đó riêng của Đoàn văn công Cửu Long là 10 tiết mục như: múa “Tay cày tay súng”, “Hoa sen dưới cờ giải phóng”; ca cổ “Viếng mộ liệt sĩ”, “Ông già bám đất”, trích đoạn cải lương “Nỗi đau bên cạnh niềm vui”...
Cô Nguyễn Ngọc Ánh, 52 tuổi, khăn gói từ Thủ đô Hà Nội trở về Vĩnh Long, trở về chiến trường xưa hào hùng, oanh liệt. Hiện cô là giảng viên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cô Ánh bùi ngùi: “Gặp lại những anh em trong đoàn như là một giấc mơ đối với tôi. Hơn 30 năm mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng rơi nước mắt vì không ngờ lại có cuộc hội ngộ khá đầy đủ anh chị em trong đoàn ngày xưa. Những ngày đầu gặp lại, mấy chị em gặp nhau, ngủ chung mùng nói chuyện cho đến sáng lúc nào không hay biết... Trong khi dàn dựng lại những tiết mục múa, chị em chúng tôi chỉ tập lại đội hình chứ những điệu bộ thì chúng tôi nhớ mãi như in, không thể nào quên được”.
Chú Phan Văn Thành, năm nay đã 60 tuổi, đang sinh sống tại tỉnh Bình Dương, khi hay tin có cuộc về nguồn nhân ngày thương binh liệt sĩ năm nay, không hề do dự, chú nhanh chống sắp xếp ngay chuyện nhà để trở về Vĩnh Long gặp lại anh em. Chú Thành tâm sự: “Tôi trở về đây như là một tiếng gọi thiêng liêng. Mặc dù đến nay tôi đã là cha, là nội nhưng lúc nào tôi vẫn nghĩ mình vẫn là đứa con của đoàn văn công ngày xưa”. Còn Cô Hồ Thị Thơm, 58 tuổi, hiện đang sống tại TP Cà Mau. Cô tham gia đoàn văn công khi mới lên 12 tuổi. Cô Thơm không giấu được niềm vui: “Hơn 30 năm gặp lại anh em, tôi như sống lại ngành nghệ thuật của mình trong thời bom đạn”.
Trong chuyến về nguồn vừa qua, đoàn kết hợp với Đội văn nghệ Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức biểu diễn từ ngày 25 đến 27/7 ở những căn cứ địa ngày xưa, những địa phương, gia đình đã nuôi nấng đoàn trong thời lửa đạn như: Chùa Tòa Sen thuộc ấp Hóa Thành (xã Đông Thành, huyện Bình Minh), xã Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Minh), xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp),... Mỗi đêm biểu diễn phục, vụ bà con đến ủng hộ rất động và nhiệt tình. Có những người cao tuổi xem lại chương trình đã tấm tắc ngợi khen hết lời. Biểu diễn nghệ thuật là cách để thể hiện cho bà con cũng như những thành viên của đoàn nhớ lại chiến trường đã nuôi dưỡng mình. Ý nghĩa hơn hết là đoàn đã đến từng gia đình nuôi chứa đoàn ngày xưa để thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống mới. Đồng thời đoàn cũng đã thắp những nén hương cho những đồng đội, những người cưu mang đã yên nghĩ trên mảnh đất... thắm đượm tình người.


“Vẫn mãi là Đoàn văn công Cửu Long”:
Có tâm sự với cô, chú trong đoàn văn công ngày xưa, chúng tôi mới thấy được sự hy sinh, gan dạ đầy nghĩa khí của họ. Dấu chân của họ in khắp cả vùng giải phóng, cả vùng tranh chấp với địch. Trong gian khó, tiếng hát, tiếng đàn của đoàn văn công luôn cất lên vừa phục vụ cho anh em chiến sĩ, đồng bào, vừa tuyên truyền đường lối cách mạng. Tiếng hát đánh át tiếng bom là vậy! Ông Trần Mộng nói: “Về nguồn lần này chính là hoài bảo của tất cả thành viên trong đoàn sau bao nhiêu năm xa cách. Mặc dù mỗi người mỗi cảnh đời khác nhau, nhưng đều có chung một niềm vui... chiến thắng. Bởi vì trong bao nhiêu năm kháng chiến gian khổ chúng tôi vẫn sống chết có nhau, vẫn luôn tự hào mình phục vụ ở “Đoàn văn công Cửu Long”.
Ngày 1/6/1961, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Vĩnh Long được thống nhất của Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Long thành lập đoàn văn công, lấy tên Đoàn văn công Cửu Long, trên cơ sở đoàn ca múa nhạc xã Mỹ Thuận (huyện Bình Minh) và một số anh chị em diễn viên, nhạc công, tân, cổ gồm 17 người trong tỉnh. Đoàn do đồng chí Nguyễn Văn Mẫn (Bảy Hui) làm trưởng đoàn, đồng chí Ngô Ngọc Bỉnh (Sáu Kỳ), phó đoàn. Đến tháng 6/1962, nâng tổng số thành viên trong đoàn là 35 người. Mỗi năm đoàn văn công biểu diễn từ 60-70 buổi, phóng thành vào các đồn địch từ 30-36 cuộc. Kỷ niệm không thể nào quên ngày ấy của đoàn trong khi lưu diễn thì rất nhiều, nhưng ai cũng nhớ buổi biểu diễn tại xã Mỹ Thuận (huyện Bình Minh): Chương trình của đoàn hôm đó có vở cải lương “Bước chân đã chọn”, nội dung vận động thanh niên tòng quân. Ở một tình huống kịch tính đang diễn ra gay gắt khi người con trai của mẹ quyết tâm xin mẹ được tòng quân góp phần giải phóng quê hương, trong khi mẹ trong lòng đã đồng ý nhưng vẫn muốn thử lòng đứa con của mình. Cuộc đối lý đến cao trào cả mẹ lẫn con đều khóc, con khóc đòi tòng quân, mẹ khóc mừng con có ý chí... Đang lúc mẹ con ôm nhau khóc bởi có một bà mẹ là khán giả “nhập vai” bước lên sân khấu, tay lau nước mắt tức tưởi nói: “Bà ở nhà không ai bỏ bà đâu, bà nên cho nó đi tòng quân”. Nói xong, bà móc túi lấy tiền nhét vào túi cậu con trai và nói: “Bà cho con tiền đây nè!”. Bấy giờ, diễn viên đóng vai cậu con trai và bà mẹ trong kịch hết sức lúng túng, không biết diễn tiếp thế nào (vì tình tiết này không có trong kịch bản). Mong nhờ ông Trần Mộng là tác giả kiêm đạo diễn có mặt trong cánh ga, ông nhắc nhở “bà mẹ” (Thanh Phương thủ vai) diễn tiếp câu: “Bà Chị ơi! Tôi thử lòng của con, xem ý chí của con, chớ nào phải đâu tôi không giác ngộ cho con tòng quân”. Vừa dứt lời, khán giả vỗ tay rần rần, bà mẹ ngoài đời đứng trên sân khấu trở về thực tại cũng vỗ tay cười ha hả...
Trong chiến tranh, niềm vui biểu diễn phục vụ bà con, chiến sĩ lúc nào cũng dâng trào trong tim mỗi thành viên. Tuy nhiên, đau lòng nhất là bom đạn đã cướp đi những thành viên của đoàn, những anh chị em ngày ngày biểu diễn với nhau rất ăn ý rồi cũng nằm yên trên mảnh đất chiến trường. Theo ông Trần Mộng, từ năm 1961 đến 1975, đoàn đã có hơn 20 người phải bỏ lại chiến trường. Cuộc hội ngộ lần này như là cuộc về nguồn đầy đủ và ý nghĩa nhất, nhằm để tri ân, tưởng nhơ đến những người đã nuôi dưỡng, sống chết có nhau với đoàn văn công. Lần gặp gỡ này, gần 20 anh em còn lại đã thống nhất từ nay về sau mỗi năm sẽ gặp lại một lần để thể hiện tâm huyết: Vẫn mãi Đoàn văn công Cửu Long.

Bài và ảnh: BÁ DŨNG

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007












Hát bội Vĩnh Long ... đi Mỹ !

Viện Smithsonian là một tổ chức được thành lập năm 1846 dưới sự bảo trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức đến công chúng. Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian do Trung tâm Đời sống dân gian và Di sản văn hóa tổ chức hàng năm tại Thủ đô Washington. Đây là một lễ hội lớn không chỉ ở Hoa Kỳ mà 40 năm qua đã trở thành lễ hội quốc tế. Tại Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Công – Dòng sông kết nối các nền văn hóa”, Việt Nam sẽ tham gia với 11 loại hình nghệ thuật. Trong đó, hát bội Vĩnh Long được Bộ Văn hóa - Thông tin đề cử đi biểu diễn tại lễ hội mang tầm cỡ quốc tế này từ ngày 23-6 đến ngày 9-7-2007.


Ơ ĐBSCL vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 mỗi tỉnh có đến hàng trăm ngôi đình làng. Theo tục lệ địa phương, các ngôi đình cứ 3 năm phải tổ chức lễ kỳ yên, hát xướng một lần. Thời đó, hát bội được xem là loại hình nghệ thuật phục vụ nghi lễ song song với việc phục vụ nhu cầu giải trí của quần chúng. Hàng năm, nhiều đoàn hát từ vùng Bình Định dùng ghe bầu theo gió mùa vào vùng đất mới Nam Bộ. Họ trình diễn từ ngôi đình này đến ngôi đình khác, đồng thời dựa vào nơi đây tổ chức hát giàn để kiếm sống hết mùa mới quay về. Nhiều nghệ sĩ đã ở lại đây lập nghiệp, đào tạo thêm nhiều thế hệ nghệ sĩ về sau. Tính đến nay, nghề hát bội ở ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng đã có lịch sử hàng trăm năm.

Ông Bầu Răng thuộc một dòng tộc hát bội lớn nhất tỉnh Vĩnh Long đã giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật hát bội gần 70 năm qua. Ông tên thật là Huỳnh Văn Răng, 73 tuổi, hiện sống tại ấp An Hương, xã Mỹ An, huyện Mang Thít – tỉnh Vĩnh Long. Tính đến nay, dòng tộc của ông đã trải qua 5 đời trong nghề hát bội, người đi đầu là ông nội của ông, sau đó đến cha của ông là ông Bầu Sâm, đến ông và con rể, cháu của ông đã có trên 40 người đến với loại hình nghệ thuật này. Năm 2003, ông vinh dự được nhận huy chương Vì sự nghiệp văn hóa. Ông Bầu Răng nhớ lại: Vào những năm 1950, loại hình hát bội được bà con rất quý trọng, ghe hát đi đến đâu, bà con cổ vũ rất nhiệt tình đến đó, xem hát bội chật kín cả sân đình. Dần dần nhiều loại hình nghệ thuật như cải lương, phim ảnh, ca nhạc nổi lên, hát bội rơi vào bước thoái trào. Nhiều nghệ nhân hát bội rất vất vả, mỗi người phải tự tìm cho mình một nghề để kiếm sống, đồng thời gìn giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu.
Đa phần các nghệ nhân hát bội đều rất yêu nghề. Mặc dù theo nghề rất cực khổ, nhiều trường hợp biểu diễn ban ngày giữa cái nắng gay gắt mà các nghệ nhân phải khoác trên mình nhiều lớp trang phục dày cộm, khi hát phải đúng giọng điệu, múa kiếm, phi mã... mồ hôi đổ như tắm mà phải diễn cho đạt. Hầu hết những nghệ nhân hát bội đều được tập luyện từ nhỏ nên từng lời hát, điệu múa đã hòa trong máu huyết của mình.
Có thể nói, với lòng đam mê, yêu nghệ thuật hát bội nên nhiều nghệ nhân ở Vĩnh Long mới lưu giữ được loại hình nghệ thuật đang trên đường bị mai một. Các ông bầu đã cống hiến rất nhiều công sức của mình để quy tụ, giữ gìn loại hình nghệ thuật hát bội là: Bầu Đợt, Bầu Đây, Bầu Hạp, Bầu Giáp, Bầu Lụa, Bầu Sồm, Bầu Răng...
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế xã hội phát triển, vấn đề phục hồi và phát huy vốn văn hóa dân tộc được đề cao nên nhiều đình làng tổ chức các lễ hội có phần long trọng hơn, người dân cũng yêu mến loại hình hát bội trở lại. Những nghệ nhân hát bội phấn khởi hơn. Đặc biệt, mới đây, Vĩnh Long cử 5 nghệ nhân hát bội của Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh đi biểu diễn tại Mỹ. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho ngành văn hóa- thông tin tỉnh Vĩnh Long mà cả với các nghệ nhân có tâm huyết, đã từng cống hiến nhiều cho hát bội. Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Tính đến nay, các bước chuẩn bị làm thủ tục đã hoàn tất. Lần này, “đem chuông đi đánh xứ người” các nghệ nhân hát bội Vĩnh Long sẽ tham gia lễ hội với trích đoạn “Tiết Giao đoạt ngọc”. Giới hạn thời lượng 45 phút với 5 lớp diễn: Võ Tam Tư xuất binh, Võ Tam Tư bại trận trở về tức giận, Nguyệt Cô kịch chiến với Tiết Giao, Võ Tam Tư đi tuần và Nguyệt Cô hóa cáo. 5 nghệ nhân gồm: Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Văn Hên, Huỳnh Thị Yến Linh, Phạm Văn Mười Một và Nguyễn Văn Thinh.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt (nghệ danh Vũ Linh Tâm, thủ vai Tiết Giao), trăn trở: được đi Mỹ tham gia lễ hội quốc tế là niềm vinh dự của cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Toàn bộ vở diễn đến 120 phút nhưng phải rút lại có 45 phút. Bằng mọi cách tất cả các nghệ nhân phải diễn hết sức mình, vừa đầy đủ cốt truyện vừa phải diễn xuất đầy đủ các tình tiết”. Còn chị Huỳnh Thị Yến Linh, thủ vai Nguyệt Cô, tâm sự: “Trong vở diễn này, Nguyệt Cô là nhân vật chính, đòi hỏi người diễn phải “hết mình” như các tình tiết: Nguyệt Cô nhổ viên ngọc người ra hay từ người hóa thành cáo. Đoạn này đòi hỏi người nghệ sĩ phải lột tả được cách biểu diễn vừa phải thể hiện tâm lý đấu tranh tư tưởng rất dữ dội. Mừng ít, lo nhiều, nhưng chúng tôi phải cố gắng hết mình để đem niềm tự hào về cho quê hương”.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh, cho biết thêm: Nhiều tỉnh, thành khác có loại hình nghệ thuật hát bội rất hay, nhưng Vĩnh Long rất may mắn được chọn. Đây là niềm vinh dự cho những người làm nghệ thuật ở tỉnh nhà. Hy vọng, lần biểu diễn này thúc đẩy các nghệ nhân hát bội ở Vĩnh Long ngày càng quý trọng, lưu truyền và phát huy nhiều hơn nữa loại hình nghệ thuật hát bội đến với công chúng.
Nghệ nhân Việt Nam tham gia 11 loại hình di sản văn hóa
Bộ Văn hóa - Thông tin đã phê duyệt danh sách gồm 11 loại hình di sản văn hóa của 7 tỉnh thuộc lưu vực sông Mê Công của Việt Nam với tổng số 52 người, trong đó có 39 nghệ nhân, 10 cán bộ giới thiệu di sản văn hóa, 3 cán bộ lãnh đạo và tổ chức đoàn. Cụ thể: tỉnh Điện Biên có 1 người dân tộc Thái Đen với loại hình nghệ thuật làm dụng cụ đánh bắt thủy sản; tỉnh Kon Tum có 16 người dân tộc Ba Na Rơ Ngao tham gia 4 loại hình (Nghệ thuật Cồng chiêng, nghề đẽo thuyền độc mộc, nghề đan gùi và sử thi); tỉnh Vĩnh Long có 5 nghệ nhân người Kinh tham gia loại hình hát bội; TP Cần Thơ có 1 nghệ nhân người Kinh tham gia loại hình làm các loại bánh; tỉnh An Giang có 1 nghệ nhân người Chăm tham gia loại hình dệt chăm; tỉnh Sóc Trăng có 4 nghệ sĩ người Khmer tham gia loại hình nghệ thuật múa Rôbăm và tỉnh Bạc Liêu có 11 người dân tộc Kinh và Hoa tham gia 2 loại hình nghệ thuật là đờn ca tài tử và múa lân.

Bài, ảnh: NGUYÊN BÁ











Quái kiệt đất Cầu Ngang


Tiếng đồn về một “quái kiệt” có thân hình tàn phế nhưng sửa chữa đồ điện tử “hay như thần” ở đất Cầu Ngang (Trà Vinh) khiến chúng tôi phải tìm về tận nơi




Hóa ra, ở cái xã Vĩnh Kim danh tiếng “quái kiệt” Lê Văn Hiếp (Út Hiếp) không dừng ở nghề sửa chữa điện tử. Dù hai tay, hai chân bị dị tật nặng, Út Hiếp vẫn sinh hoạt như người có tay chân bình thường! Đó là một con người điển hình vượt qua số phận nghiệt ngã.
+ Sửa điện tử, viết chữ bằng chân, hàn bằng miệng
Cạnh dốc cầu Vĩnh Kim thuộc xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang trên Quốc lộ 53 từ thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đi Duyên Hải có một căn nhà lá đơn sơ chưa đầy 30 m2. Đó là nơi tá túc và hành nghề sửa chữa điện tử của vợ chồng ông Út Hiếp. Nhà hẹp, đồ đạc đơn sơ nhưng radio, tivi, cassette, đầu máy và cả đầu đĩa chất ngổn ngang. Thấy khách đến, vợ chồng ông Út Hiếp niềm nở mời vào. Nhưng khi biết chúng tôi đến không vì mục đích sửa đồ điện thì hai ông bà cười xòa: “Lại nghe thiên hạ thêu dệt chứ gì”. Nói vậy, ông Út Hiếp vẫn sẵn sàng “biểu diễn” cho chúng tôi xem vài “tuyệt chiêu”...
Chân tay co rút do dị tật bẩm sinh từ nhỏ nhưng cách thức mà ông Út Hiếp sửa chữa điện tử khiến chúng tôi, những người chân tay lành lặn, phải nghiêng mình thán phục. Đôi chân tật nguyền với các ngón co rút, ông Út dùng một chân đè lên vật cần sửa để giữ thăng bằng, chân còn lại kẹp chắc chiếc tuốc-nơ- vít vặn từng con ốc nhỏ thuần thục đến mức điêu luyện. Xong, ông Út quay sang dùng miệng ngậm mỏ hàn, chấm chì và đưa chính xác vào những chỗ cần hàn trong bảng mạch điện tử nhỏ li ti, rối rắm. Đang tập trung dò theo từng chi tiết trong bảng mạch điện tử, chợt ông Út Hiếp buông mỏ hàn, bỏ tuốc-nơ-vít xuống và dùng chân gắp lấy gói thuốc lá đưa một điếu lên miệng. Cứ tưởng ông Út Hiếp sẽ nhờ bà vợ bật hộp quẹt nhưng không, vừa bỏ gói thuốc xuống là ông dùng chân gắp chiếc quẹt gas rồi quẹt đánh xoạch một cái, ung dung đưa ngọn lửa lên đốt thuốc. Rít vài hơi, ông Út lại dùng chân kẹp cái gạt tàn thuốc, gác điếu thuốc lên rồi tiếp tục múa đôi chân với những chiếc tuốc-nơ-vít. “Đồ điện tử có rất nhiều mạch điện nhỏ, chi li, đòi hỏi người sửa cũng phải rất tỉ mỉ”- ông Út cho biết. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Đèo, vợ ông, đôi chân của ông còn làm rất nhiều việc nhà ngoài việc sửa chữa điện tử. Đặc biệt là ông Út dùng chân viết chữ rất đẹp.
+ Vượt qua số phận nghiệt ngã
Tận mắt chứng kiến những màn biểu diễn ngoạn mục của ông Út Hiếp, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết ông đã có hơn 30 đệ tử ở các xã trong huyện và cả những huyện lân cận đến tầm sư học nghề sửa chữa điện tử. Từ một con người tàn phế, “quái kiệt” Út Hiếp đã phải nỗ lực rất nhiều mới có được thành quả hôm nay. Để sửa được hầu hết các loại máy điện tử, ông Út phải nghiên cứu nhiều loại sách, báo, từ đơn giản đến phức tạp, luôn cập nhật tài liệu của những loại máy mới, hiện đại dù ông chỉ học đến... lớp 7.
Ông Út Hiếp kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở ấp Cà Tum, xã Vĩnh Kim khi mới lọt lòng đã bị căn bệnh bẩm sinh co rút chân tay. Chín tuổi, tôi mới bắt đầu học lớp một do... thân hình không giống ai nên gia đình không có ý định cho đi học, vì nghĩ “với bộ dạng tàn phế thế này, thằng Út có học được kiến thức “đầy đầu” thì cũng chẳng làm được tích sự gì”. Nhưng với nghị lực bản thân, quyết tâm vượt qua số phận, không mặc cảm với chính mình, cậu học trò Lê Văn Hiếp không những không bỏ học ngày nào, mà rất siêng học và ngày càng chứng tỏ mình là một học sinh thông minh, thích khám phá. Nhưng học đến lớp 7 thì cậu học trò ham mê đọc sách phải ngậm ngùi rời ghế nhà trường vì gia đình quá khó khăn.
Ở nhà, lê lết tới lui riết rồi cũng buồn nên Út Hiếp hết phá cái này đến phá cái khác. Có lần, cậu bé Hiếp lấy cái radio nhỏ xíu ra phá đến hư nên bị gia đình “dần” cho một trận. Ăn đòn xong, tức quá cậu Hiếp tật nguyền liền bắt tay vào việc sửa chữa lại cái máy đó để chứng tỏ mình là người “được việc”. Ngờ đâu, chỉ một lát chiếc máy lại hát hò được bình thường. Vậy là, từ đó cậu học trò Út Hiếp bám dính vô nghề sửa chữa điện tử. Không tiền, đi lại khó khăn, Út Hiếp nhờ người thân, bạn bè tìm sách báo về điện tử để đọc và thực hành. Chỗ nào không hiểu, Út Hiếp nhờ những người bạn biết nghề chỉ dạy thêm. Khi tay nghề kha khá, Út Hiếp bắt đầu “ra nghề”. Ban đầu chỉ sửa những cái đơn giản cho bà con gần nhà và thường chỉ sửa giùm, ai cho bao nhiêu thì cho; lâu dần quen nghề, quen tay nên sửa được nhiều mặt hàng điện tử cao cấp. Từ đó “tiếng lành đồn xa” nên công việc sửa điện tử của Út Hiếp ngày càng được nhiều người biết đến. Thấy vậy, Út Hiếp liền dời nhà ra chợ xã để hành nghề. Điều đặc biệt ở ông Út Hiếp là ông luôn thật tình với khách hàng, hư đâu sửa đấy, giá bao nhiêu lấy bấy nhiêu nên khách đến cửa hàng ông ngày một đông. Cũng nhờ tiếng tăm “quái kiệt sửa chữa điện tử” mà năm 1980 cô Nguyễn Thị Đèo, quê ở xã Đức Mỹ (huyện Càng Long) đã mến tài, tình nguyện về “nâng khăn sửa túi” cho ông, bất chấp sự can ngăn, dị nghị của gia đình và dư luận. Vợ ông tâm sự: “Biết tôi thương anh Út, ban đầu nhiều người phản đối dữ lắm, nhưng sau đó cũng chấp nhận. Tôi thương anh ấy là ở tấm lòng. Mặc dù là một người tật nguyền nhưng tấm lòng rất tốt, sống chan hòa, biết lo làm ăn”.
Bây giờ ở Trà Vinh, nói đến “quái kiệt” Út Hiếp, những cửa hàng điện tử ai cũng biết và đều nể phục. Nghe Út Hiếp điện thoại thiếu linh kiện, phụ tùng nào đó là các chủ cửa hàng nhanh chóng chuyển đến ngay. Họ nói: “Giúp đỡ một người như ông Út Hiếp, chúng tôi không có gì phải đắn đo, bởi đó là tấm gương vượt qua số phận điển hình, đáng để noi theo”.

Bài và ảnh: BÁ DŨNG











30 năm đi tìm ... tông tộc !

Suốt ba mươi năm ròng cần mẫn tìm kiếm, hỏi han ở khắp các tỉnh ĐBSCL để xác định tông tộc của mình, rồi ghi chép thành cuốn gia phả 7 đời. Chuyện không quá lớn lao nhưng cũng không phải ai cũng thực hiện được như ông Ut Tèo…



+ Cuộc hành trình tâm huyết và kiên nhẫn:
Căn nhà của ông Nguyễn Tấn Tài (Ut Tèo) ở ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thuỷ (Hậu Giang) bằng gỗ khá khang trang, vách ván vừa có nét cổ kín vừa hiện đại. Vách nhà được ông trang trí thật trang nghiêm những hình ảnh minh hoạ, những bức hoành phi, câu đối xem rất ý nghĩa và trông khá đẹp mắt. Ong Ut giải thích: “Đây là những bức hoạ của dòng tộc chúng tôi từ mấy đời nay lưu giữ. Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày nay cũng nhờ hương quả và công đức của người xưa để lại. Do đó, chúng ta cần phải khắc ghi công ơn đó, cây có cội nước có nguồn, làm người phải biết tổ tông chứ...”. Hiện ông Ut Tèo còn lưu giữ một số kỷ vật của ông bà anh có từ hằng trăm năm như: Gốc cây tràm đến nay đúng trăm tuổi, viên gạch nung đầu tiên mà ông bà anh đặt chân gầy dựng trên mảnh đất mới. Những sổ sách, giấy tờ có liên quan đến đất đai thời Pháp thuộc cũng được anh giữ gìn một cách cẩn thận.
Việc tìm lại gia phả của dòng họ mình được ông Út thực hiện từ năm 17 tuổi, bắt đầu làm tìm đến những người cao tuổi, hỏi han về chuyện lịch sử của đất nước, về quan hệ của dòng họ và đặc biệt rất thích sưu tầm tài liệu xưa. Những tài liệu nào có liên quan đến dòng họ hoặc người thân của ông bà mình ông đều ghi chép, lưu giữ. Thời kỳ chiến tranh loạn lạc, những người thân của dòng họ ông phải sơ tán mỗi người một nơi. Khi hoà bình lập lại, có người đã mất, có người còn sống, nhưng họ cũng đã có gia đình hoặc không còn nhớ đến quê hương vì trong số đó có người xa quê khi còn thơ ấu. Năm 1976, đất nước được thanh bình, ông bắt đầu “cuộc hành trình” đi tìm và lập ra một số tông chi có liên quan đến họ Nguyễn- Huỳnh và họ Trần- Huỳnh. Các họ trên đều là họ của ông bà nội và ông bà ngoại của ông Ut Tèo xuất phát từ quê gốc vùng Đồng Tháp mười. Trong thời gian đi tìm tông tộc, có lúc phải gian truân, cực khổ, lặn lội đường bộ xa xôi vài chục cây số anh mới tìm được địa chỉ của người thân ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Khi thì ông đi tìm bằng xuồng ghe, khi thì đi bằng xe cộ, nhưng chủ yếu đi bộ là nhiều. Ong kể: “Có lần tôi đi tìm tông tộc bằng xuồng máy nhỏ ở một nơi mà tôi chưa biết đến bao giờ, mà chỉ được nghe cha anh kể lại lúc nhỏ”. Từ lời kể của cha, ông đi tận tới xứ Bạc Liêu nơi mà ông không hề quen biết bạn bè, người thân. Mới đây, Ong Ut Tèo cũng có cuộc hành đi tìm tông tộc của mình tại huyện Trà On (Vĩnh Long), ông đã tìm được nhựng anh chị em của ông nội mình. Niềm vui hoà lẫn trong niềm ngạc nhiên đầy vẻ xúc động, ông càng tự tin và thấy ý nghĩa công việc của mình hơn… Khi đi trong mình ông chỉ có một thứ duy nhất quan trọng đó là tờ giấy chứng minh thư, phòng khi “rủi ro”. Vậy mà, ông lân la, dò hỏi, ở nhờ nhà các cán bộ xã, ấp suốt cả tháng trời mới tìm gặp lại được người thân, đã bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ra đi biệt xứ 72 năm qua, những người này ông chưa từng biết mặt. Những lúc ra đi, “hành trang” mà ông thường mang theo bên mình chỉ có vài bộ đồ và nhiều loại thức ăn khô như: bánh mì, bánh tét, bánh lá dừa...để ăn qua bữa. “Nhiều khi, tìm gặp lại được “người thân” nhưng tôi còn bị mọi người nghi ngờ cho là lừa gạt, dụ dỗ để mà kiếm tiền. Chứ họ không nghĩ có ai ở không đâu mà bỏ thời gian đi làm những chuyện như vậy”, ông nói.
Ròng rã suốt 30 năm qua, ước mơ quyển gia phả 7 đời của anh bây giờ đã trở thành hiện thực. Lật từng trang của quyển gia phả dày trên 200 trang khổ 30x40. Trong cuốn gia phả này được ghi lại 8 họ mà ông đã tìm, xác định, sắp xếp theo thứ tự từng tông từng chi rất rõ rệt và đầy đủ. Đặc biệt, ông còn biết áp dụng thuật ngữ rất độc đáo: viên tằng tổ khảo (ông tổ), viên tằng tổ tỉ (bà tổ), cao tằng tổ khảo (cố nội), tằng tổ khảo (cốc nội), tổ khảo (ông nội), khảo (cha), thân (mình), tử (con), tôn (cháu), tằng tôn (cháu kế), quyền tôn (cháu kế nữa) và viễn tôn (...).
+ Dạy con bằng câu đối:
Với ông Ut Tèo, tìm được tông tộc của mình là để đền đáp công ơn tổ tiên, những người đã có công khai hoang, gầy dựng nên của cải để lại cho con cháu sau này. Say mê đi tìm gia phả, nhưng ông cũng không quên trách nhiệm của một người chồng, người cha trong việc chăm lo cho các con của mình. Bốn người con của ông đều học giỏi, lễ phép với mọi người. Cô con gái lớn của ông - Nguyễn thị Lux (26 tuổi) đã tốt nghiệp Đại học kinh tế TPHCM. Người thứ hai Nguyễn thị Bux (23 tuổi) đã tốt nghiệp ngành ngoại thương Đại học Cần Thơ. Người con trai duy nhất Nguyễn Khái (20 tuổi) đang học năm thứ nhất Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành cơ khí. Cô con gái út tên Nguyễn Thị Phux (17 tuổi) đang học lớp 12 Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ). Giải thích về những cái tên ngồ ngộ mà ông đã đặt tên cho các con, ông Ut nói: “Vì sợ đặt trùng tên ông bà mình hồi trước, sợ “hỗn” nên tôi đặt như “dzầy” cho nó chắc ăn”.
Dù mới ngoài 50 tuổi, nhưng nhìn thấy cách trang trí căn nhà trang nghiêm, cách suy nghĩ cổ kín, ai cũng nghĩ đến anh là một người khó tính. Ong Út bộc bạch: “Thấy tôi bề ngoài có vẻ nho giáo, khó tính lắm phải không ? Nhưng thực ra trong cách suy nghĩ, dạy con thì “đổi mới” hoàn toàn đó nhe. Tôi giáo dục các con bằng hình ảnh và thực tế...!”. Quả thật, trước sân nhà ông có hàng trăm chậu kiểng đủ loại, dưới mỗi chậu kiểng anh đều có in một câu đối chữ nho. Mỗi câu đều là một triết lý sống ở đời được anh trích ra từ quyển “Minh tâm bửu giám”.
Ong Út không chỉ được người dân địa phương biết đến là người duy nhất tìm được gia phả 7 đời, nuôi dạy con tốt mà còn biết đến anh là một nhà từ thiện. Với ông, nếu giúp đỡ người khác trên con đường học vấn thì anh sẽ giúp hết mình. Có người, đã được ông giúp đỡ từ tháng này đến năm nọ. Một số gia đình ở xóm có con đỗ đại học nhưng không đủ tiền nuôi con ăn học tiếp, đều được ông giúp đỡ. Có tiếp xúc với ông mới thấy rõ hơn tính cách và đạo đức sống của một nông dân chân chất, suốt ngày tay lấm chân bùn ở một vùng quê còn nghèo khó. Trước khi chia tay chúng tôi, ông Ut Tèo còn dặn: “Mấy chú thấy ai có hoàn cảnh thực sự nghèo khó mà hiếu học hãy đến nói với tôi. Tôi sẵn sàng giúp đỡ họ...!”.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG










Rủ nhau đi lấy...đất sét !

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 1 triệu tấn đất sét được khai thác để phục vụ sản xuất gốm mỹ nghệ, gạch ngói. Ước tính của ngành chức năng chỉ khoảng 20% sản lượng được khai thác hợp pháp.
Tình trạng khai thác đất sét bừa bãi ở Vĩnh Long đang diễn ra ngày càng phức tạp, tập trung chủ yếu ở huyện Mang Thít và huyện Long Hồ. Trong năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 84 lượt tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác đất sét với trữ lượng gần 220 ngàn m3. Trong khi đó, địa phương này có hàng trăm người đang khai thác đất sét từng ngày, từng giờ..
.
+ Ở đâu có đất sét là lấy:
Anh hai Sơn (ấp Cái Tranh, xã Mỹ An, huyện Long Hồ) đẩy nhẹ chiếc chẹt nhỏ ra phía ruộng cách tỉnh lộ 31 chừng 100m. Vừa đến nơi, anh cầm cây len đặt xuống mặt ruộng rồi xởn bỏ đi lớp mặt chừng 0,5 tấc. Sau đó, anh Sơn dùng cây nề (nề là cánh cung có hình chữ U, có căng cọng dây thép cở 3mm) xắn mỗi cục chừng 20kg đưa lên chẹt rồi đẩy vào trong mé lộ. Chiếc chẹt vừa di chuyển, anh Sơn vừa cho chúng tôi biết: mấy chú thấy đấy, cả khu vực này chỉ có một mình tôi lấy đất. Chứ khoảng 10 năm trước, cả tỉnh lộ này, cả khu vực này hễ nơi nào có lò gạch là nơi đó có khai thác đất sét. Miếng đất này được khai thác đất sét đến lần thứ 2 rồi. Tôi mua một lớp đất sét dày 40 cm với giá 4 triệu đồng một công. Thuê công nhân cùng tội đem đất vào cối ép gạch mỗi ngày khoảng 40.000 đồng. Còn tôi thì chủ yếu lấy công làm lời... Ơ phía lộ có sẵn một chiếc cối ép gạch, có người đứng chờ chuyển từng cục đất anh Sơn lấy từ ruộng đưa vào cối chạy ra thành những “mê” đất. Mỗi “mê” đất được chạy ra cỡ 6kg. Sau đó, được các công nhân chuyên chở đến các lò gốm, gạch bằng 2 phương tiện xe và ghe. Anh Hải, một chủ ghe chuyên chở đất sét thuê cho các lò gạch nói: ghe của chúng tôi được 10 tấn. Mỗi ngày, chúng tôi đi được 2 chuyến, mỗi chuyến trừ hết chi phí cũng còn lời được 100.000 đồng/chuyến. Hiện nay, ngày ngày trên dòng sông cổ chiên có hàng trăm ghe chở đất sét ngược xuôi để bỏ mối cho các hàng trăm lò gốm, gạch đang hoạt động từng ngày.
Chuyện lấy đất sét dọc tỉnh lộ 31 có chiều dài trên 30 cây số từ thị xã Vĩnh Long đến xã Chánh An của huyện Mang Thít bây giờ rất hiếm thấy. Hiện nay, nhiều chủ lò cũng như chủ ghe đi mua đất sét ở các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh. Còn khai thác trên địa bàn Vĩnh Long thì việc lấy đất sét phục vụ làm gốm, gạch được mở rộng sang các huyện khác như Tam Bình, Vũng Liêm và Bình Minh. Ong Năm Đạo, một người có kinh nghiệm trong việc khai thác đất sét ở huyện Mang Thít, cho biết: “Đất sét khai thác trên đồng có 3 màu rõ rệt: đất gò, nỗng sâu trong đồng có màu vàng đậm rất dẻ dặc, đây là đất làm gạch truyền thống, cho sản phẩm có màu đỏ đậm; đất mỡ gà, ít vàng hơn, cho sản phẩm có màu vàng đỏ; đất sét đen cho sản phẩm có` màu vàng sáng”.
+ Khai thác đất sét chỉ là tận thu:
Theo ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có khoảng 500 cối ép gạch (chạy đất ruộng thành mê) hoạt động từng ngày. Lượng đất sét ngày càng cạn dần theo thời gian. Trong đó có những chủ lò gạch có cả 2 chiếc cối ép gạch. Anh Vũ, chủ cở sở sản xuất gạch ngói Tân Tạo, cho biết: cơ sở chúng tôi chỉ chuyên làm gạch ngói nên có đến 2 cối ép gạch. Một cối chạy từ đất ruộng thành đất mê, cối thứ 2 chạy từ đất mê thành sản phẩm gạch ngói nên cơ sở phải khai thác đất liên tục. Nơi nào mua đất được là lấy để phục vụ sản xuất.
Ông Lê Hồng Trịnh, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Long, cho biết: hiện toàn tỉnh khu vực có sét, bề dày lớn hơn 1m là 2.707 ha. Có 2 cách khai thác đất sét là khai thác trắng và khai thác theo lớp. Những nơi khai thác trắng có năng suất lúa thấp chuyển mục đích sử dụng sang nuôi trồng thuỷ sản. Đối với cách khai thác theo lớp, mỗi lần lấy khoảng 0,3m đất sét. Trong thời gian 10 năm, lượng phù sa dù đắp trở lại có thể bằng bằng bề dày đất sét đã khai thác, chúng ta có thể khai thác tiếp tục. Do vậy, khai thác nguồn đất sét ở Vĩnh Long là chỉ là tận thu...”.
Bài bà ảnh: BÁ DŨNG











Chợ mồi...Duyên Hải !

Ở thị trấn huyện Duyên Hải có một chợ chuyên bán mồi cho tôm ăn nên người ta gọi là chợ “mồi”
Khu chợ “mồi” nằm cặp bên bờ sông Long Toàn, cách chợ thị trấn huyện Duyên Hải chừng 200 m trên khuôn viên khoảng 2.000 m2. Nơi đây lúc nào cũng rộn nhịp tiếng nói của người mua và người bán. Đặc sản của chợ này chỉ duy nhất là hến biển.
Theo lời giới thiệu của nhiều đồng nghiệp, chợ mồi Duyên Hải thông thường nhộn nhịp nhất vào khoảng từ 5 giờ sáng cho đến 7 giờ sáng hàng ngày. Để thoả mãn sự hiếu kỳ, chúng tôi đã đến nơi đây trước vài tiếng đồng hồ để tận mắt chứng kiến được nét độc đáo của nó.
Bầu trời vẫn còn lạnh căm, im phăng phắt, bỗng có tiếng xe tải từ tuyến Quốc lộ 53 rẽ vào khu vực chợ mồi và tiến thẳng về bến đậu. Từng chiếc từng chiếc một lần lượt tiến về... Khu chợ bắt đầu có những ánh đèn sáng rực lên. Một bạn hàng đang ngủ trong một cái lều bên đường bỗng thức giấc. Bạn tôi, chỉ vào họ mà nói: “Nói là ngủ vậy, chứ mấy bã cũng mới vừa chợp mắt mà thôi. Vì với những người ở chợ mồi này hầu hết là những bạn hàng mua – bán “mồi” mà thôi. Trong giấc ngủ của họ lúc nào cũng mong đợi có “mồi” về để bán”. Thật vậy, không bao lâu, hàng chục chiếc xe có tải trọng nặng lần lượt nề nếp vào một bãi đậu hàng ngày cùng với hàng trăm thương lái ngồi sẵn vào những sạp giả chiến bằng nilon để chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu.
Không có khí càng nóng dần lên khi có sự trao đổi mua bán giữa các thương lái. Người thì hỏi “giá hôm nay bao nhiêu một giạ!”, kẻ thì trả lời phân bua “mắc hơn hôm qua mấy phân !”,… Cứ như thế, tiếng này nói tiếp giọng nọ hoà lẫn trong phố đèn giữa đêm khuya tạo nên sinh khí xôn xao và đầy ấn tượng.
Sau những lời “cò kè bớt một thêm hai”, “mồi” từ trên xe tải cũng được chuyển dần xuống những tấm thảm trải phẳng phiu trên nền cát. Tôi nhẫm đếm có đến gần 100 tấm thảm như vậy, chạy dọc cặp bờ kè. Đa phần những người ngồi ở đây đều là nữ. Và tiếng rao bán “mồi” cũng đã bắt đầu từ đây.
Ở dưới sông, sóng nước vẫn nhấp nhô theo luồng va chạm của những chiếc ghe vỗ vào nhau, những người đi mua “mồi” cũng đã đậu ở đây từ lúc nào. Có lẽ họ cũng chuẩn bị đến rất sớm. Nào là ghe lớn, nào là xuồng nhỏ,… đậu san sát bên bờ kè. Người thì xách giỏ, người thì mang thúng, kẻ thì vát bao đi từng đoàn từng đoàn lên khu chợ mồi…
Bấy giờ, trời đã hừng sáng, tiếng gọi nhau í ớ cũng to dần. Những người đi chợ “mồi” gặp nhau cũng vui như thân quen tự thuở nào. “Sao, tôm anh được mấy tháng rồi ? Năm nay trúng mánh nữa chứ gì ? Anh hay thật,…? Câu chuyện của họ cũng diễn ra từng nhóm người. Họ không chỉ hỏi nhau về mùa tôm trúng hay thất mà họ còn trao đổi với nhau về kinh nghiệm chăn nuôi, chỉ cho nhau việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để cho con tôm ngày càng hiệu quả hơn,… làm cho không khí ở đây sôi động hẳn lên.
Mỗi người một việc. Chủ xe thì giao hến cho bạn hàng, bạn hàng thì bày bán cho người đi mua. Tiếng trả giá giữa người mua và người bán cũng được tung ra ở hầu khắp các nơi trong khu chợ. Tuy mỗi người một hành động, một cử chỉ khác nhau, nhưng hầu hết điều làm một việc là chen nhau mua được hến biển về cho tôm ăn, càng sớm, càng tốt. Có lẽ để khi về sớm, họ còn phải cho nhiều việc phục vụ nuôi tôm và làm một số công việc khác.
Một điều đặc biệt của chợ này là có thành lập các tổ khuân vác. Lao động hầu hết là ở các xã lân cận của huyện. Trong đó có mấy tổ trưởng tổ khuân vác điều là những thương binh. Anh Đặng Văn Phương, một trong những tổ trưởng tổ khuân vác khu chợ mồi là thương binh, bộc bạch: “Vào cao điểm chợ mồi có hàng chục tổ khuân vác, mỗi tổ khoảng 15 người. Tất cả khuân vác cho khu chợ mồi lên đến hơn trăm người. Thu nhập bình quân mỗi người cho 1 lao động khoảng 80-100 ngàn đồng/người. Nếu người nào bắt được mối quen làm thêm thì có tiền thêm. Tất cả lao động muốn vào đây làm đều phải nộp hồ sơ và có sự xác nhận của chính quyền địa phương.
Một chủ quán nước trong khu chợ mồi vừa nói và diễn tả: “Ở đây lúc nào cũng vậy, xe cộ ầm ì trên bờ, tàu nghe tấp nập dưới sông. Con người thì nhốn nháo chạy đến chạy lui, trả giá cùng với hàng trăm công nhân khuân vác,… đã làm cho khu chợ nhỏ này cũng lớn dần lên. Nếu vào dịp mùa tôm sú rộ mà trúng mùa, khu chợ này sáng rực đèn và nhốn nháo sáng cả đêm. Đoạn từ đây đến đó không đầy 100 m, nhưng nếu vào cao điểm thì chen nhân được đến chỗ đó cũng phải mất không dưới một tiếng đồng hồ. Nghe nói cứ ngỡ là bịa chuyện nhưng khi chứng kiến cảnh náo nhiệt và chen chúc nhau mới thấm được câu “tai nghe không bằng mắt thấy”.
Chợ mồi không chỉ bán cho người nuôi tôm của huyện mà còn bỏ mối cho bạn hàng đến từ tỉnh Sóc Trăng qua lấy về bán lại. Chị Phát, một buôn lái đến từ Sóc Trăng, cho biết: “Ở Sóc Trăng không có chợ “mồi” như thế này đâu, do ở cù lao Dung mới hình thành và phát triển nghề nuôi tôm sú. Hến biển sẽ giúp cho tôm sú sinh trưởng tốt nên tôi qua đây lấy hến biển về bán cho bà con mỗi ngày. Mỗi chuyến đi như vậy tôi cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Chợ mồi ở đây thật nhộn nhịp và độc đáo làm sao !
Càng về sáng, chợ càng thưa dần, tiếng ồn ào cũng tan biến đi. Các bạn hàng thu gom lại để chờ buổi chiều tiếp tục nhóm buổi thứ 2 trong ngày. Buổi nhóm chợ thứ 2 vào buổi chiều từ 18 giờ đến 20 giờ cũng không kém phần xôn xao như buổi sáng..
Theo Ban Quản lý chợ huyện Duyên Hải, chợ mồi Duyên Hải được hình thành từ năm 1992, khi phong trào nuôi tôm của ngư dân vùng Duyên Hải hình thành và phát triển. Ban đầu chợ mồi này nằm chung với chợ truyền thống của thị trấn, sau đó ngày càng nhiều và đông dần. Khu chợ thị trấn không đủ sức chưa. Ban quản lý phải sắp xếp lại chỗ mới là chỗ hiện nay. Ban đầu thì mỗi năm chợ mồi này nhóm chỉ có một mùa chừng vài ba tháng. Sau đó, có nhiều vụ nuôi tôm trong một năm và số lượng nuôi tôm sú ngày càng nhiều. Chợ mồi này cũng mở rộng và thường xuyên hơn. Mạnh nhất là từ 5 năm trở lại đây vào tháng năm và tháng 6 hàng năm là đông nhất. Hiện nay mỗi ngày có từ 8 đến 10 xe tải (mỗi xe 200 giạ tương đương 6 tấn) và từ 3 đến 4 ghe (mỗi ghe khoảng 2 tấn) chở hến biển đến bán tại chợ mồi huyện Duyên Hải. Vào thời cao điểm có trên 20 xe tải mỗi ngày. Giá hến biển trung bình khoảng 60 ngàn đồng/giạ, vào cao điểm lên cao từ 80 – hơn 100 ngàn đồng/giạ. Nguồn hến biển chủ yếu được tiêu thụ từ tỉnh Kiên Giang, Bến Tre,… Mỗi ngày có 2 thời điểm diễn ra xôn xao: Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng và từ 6 giờ đến 8 giờ tối.
Hiện nay, phong trào nuôi tôm sú ở Trà Vinh ngày càng nhiều, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của huyện Duyên Hải mà đã mở rộng sang các huyện tuyến trên như huyện Cầu Ngang, Trà Cú,… cùng với hoàn thành cây cầu Long Toàn, không còn cảnh “cách trở đò giang” nữa. Cho nên bấy giờ, chợ “mồi” cũng đã xuất hiện nhiều điểm ở các xã của huyện Duyên Hải và của huyện Cầu Ngang.
Chợ “mồi” hình thành không chỉ tạo nên nét độc đáo của một loại chợ đặc sản, đặc trưng của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long mà nó còn góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người địa phương.
Bài và ảnh: SƠN ĐÔNG











Ba đời làm nghề...móc cua !

Cách đây 30 năm, có một người đàn ông ở Vĩnh Long chỉ với đôi bàn tay trắng, không nghề nghiệp và cũng chẳng có mảnh đất cắm dùi, nhưng kể từ khi làm nghề... móc cua đến nay, người đàn ông này đã “tậu” về hơn 10 công đất và xây dựng nên một ngôi nhà tường khang trang, ấm cúng.
Trong một lần đến công tác tại ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), chúng tôi được người dân nơi đây bàn tán sôi nổi xung quanh sự “đổi đời” của một người tên On chuyên làm nghề... móc cua. Nhiều người còn khẳng định rằng, trong số những người giỏi nghề móc cua nhất hiện nay ở vùng sông nước miền Tây thì ông On là người được xếp hàng bậc thầy. Để tìm hiểu thật hư ra sau, chúng tôi tìm nhà nhân vật “nổi tiếng” này...
+ Móc cua, móc nên... nhà
Tên đầy đủ của ông là Phùng Văn On (Sáu On), năm nay đã 70 tuổi. 30 năm về trước, gia đình ông thuộc dạng nghèo nhất xã, lại có tới 7 đứa con (4 nam, 3 nữ), nên phải sống nhờ vào miếng đất nhỏ của một ngôi chùa. Hàng ngày, vợ chồng ông đi làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền mua vài ba lon gạo, nắm rau để lo cho đàn con nheo nhóc sống qua ngày. Đã vậy, chỉ vài năm sau, vợ ông lại tiếp tục... cho ra đời thêm 2 người con nữa. Chính vì thế, cuộc sống gia đình ông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn... Sau nhiều lần ông quyết định làm ăn lớn để mong đổi đời, nhưng không thành vì đào đâu ra vốn. Giữa lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng nào ngờ, trong một lần ra đồng cắt lúa mướn, ông nhận thấy cua đồng rất nhiều và cũng là món ăn khoái khẩu của dân thị thành. Chỉ trong ngày hôm sau, ông ra quân đi móc cua. Những ngáy đầu, ông móc chỉ đủ ăn do tay nghề còn yếu. Trăm hay không bằng tay quen, dần dần thùng đựng cua của ông ngày càng đầy hơn. Kể từ ngày đầu tiên ông đi móc của đến hàng tháng trời sau, trong mỗi bữa ăn, ngày nào gia đình ông ngày nào cũng có món cua. Dù món ngon đến đâu, ăn lâu ngày rồi cũng ngán, ông nảy ra ý định đem ra chợ bán. Ban đầu là chợ “đầu làng”, rồi đến chợ xã… và cuối cùng là chợ tỉnh.
Ông sáu On bộc bạch: Những ngày đầu đi móc cua cũng là những ngày tôi đau khổ nhất. Không những cua tôi móc được ít mà còn bị cù móc móc bầm dập, nát biến con cua. Đôi tay của tôi cũng bị cua kẹp thấy thảm thong. Tôi dự định bỏ nghề nhưng tôi nghĩ: chẳng lẽ chỉ mới vạn sự khởi đầu nan mà vạn nan bắt đầu nản hay sao ? Ông Sáu quyết chí dù có vất vả đến đâu, ông cũng đeo đuổi nghề móc cua đến cùng vì nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà. Ông Sáu cho biết: “Chỉ sau một tuần là “tay nghề” móc cua của tôi lên hẳn. Ngày nào tôi cũng đem về cả bao cua để bà xã đem ra chợ bán và mua về khoảng 10 lon gạo. Thế là khoẻ re”.
Trong đời móc cua của ông Sáu cũng có lắm chuyện vui buồn. Chuyện vui nhất là lần đầu tiên đi móc cua “liên huyện” của cha con ông. Lần đó. khi trời vừa hừng sáng là ông Sáu và 3 đứa con lớn của mình ăn vội nắm cơm nếp với dưa mắm rồi nhanh chóng xuống chiếc xuồng ba lá để xuất hành. Từ huyện Long Hồ, cả 4 người bơi xuồng đến tận huyện Mang Thích để móc cua. Tới nơi, họ chia nhau mỗi người một hướng để móc, đến trưa mới quay lại chỗ cũ. Không ngờ, lần đó cha con ông móc được cả trăm kg cua. Nhìn chiếc xuồng cua đầy ắp, 4 cha con ông cứ reo lên suốt quảng đường về nhà. Còn chuyện buồn nhất mà theo ông Sáu nói là: “Thấy tôi hay đi “rảo” ngoài đồng để móc cua, nên không ít người cứ “nghi ngờ” rằng tôi “chôm” cá, tôm của họ. Nhưng không phải vì thế mà tôi nản chí, bỏ nghề”.
Cũng chính vì ý chí vượt qua khó khăn của một người từng sống trong cảnh nghèo túng như ông Sáu On, mà chỉ ít lâu sau, gia đình ông đã “tậu” được 2 công đất vườn, rồi đến 10 công đất ruộng cũng từ chiếc cù móc và cái thúng thiết. Tuy nhiên, điều mà người dân địa phương nể phục nhất đối với gia đình ông Sáu là ở chỗ mặc dù lao động vất vả ngoài ruộng đồng, nhưng những đứa con của ông học hành rất giỏi và lễ phép với mọi người. Đến nay, hầu hết con cái của ông Sáu đã có công ăn, việc làm ổn định tại tỉnh nhà. Riêng ông Sáu, giờ đây tuy đã có nhà cao cửa rộng và tuổi đã cao, nhưng ông vẫn thường xuyên ra đồng để móc từng con cua đem về cho bà Sáu đem đi bán để kiếm thêm tiền chợ. Ông nói: “Công việc này đã “ăn” vào máu của tôi rồi, không thể bỏ được đâu mấy chú ơi!”.
+ Đi móc cua bằng... xe gắn máy
Trong số những đứa con “nối nghiệp” ông Sáu đến ngày nay là chị Phùng Thị Mai Triều (39 tuổi). Chị biết móc cua từ lúc mới lên 9 tuổi và xuyên suốt cho đến ngày hôm nay. Có điều, ngày trước cha con chị phải lội bộ hoặc chèo xuồng đi móc cua, thì nay chị đi làm việc này bằng... xe gắn máy. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 8 giờ sáng, chị Triều cùng chiếc xe gắn máy của mình vượt qua đoạn đường hơn 20km mới đến điểm móc cua. Vì theo chị, việc móc cua ngày nay khó khăn gấp trăm lần so ngày trước. Nguyên nhân là do nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trên đồng ruộng, nên lượng cua đồng đã cạn kiệt dần.
Có đến nhà chị Triều mới thấy hết được việc bắt cua bây giờ cũng đã chuyển sang thời đại “công nghiệp hóa”. Bởi vì, ngoài việc dùng xe gắn máy làm phương tiện đi móc cua hàng ngày, chị Triều còn sắm cả máy xay cua tại nhà. Khi đi bắt cua về, chị làm sạch rồi cho chúng (trừ càng) vào máy xay nhuyễn để đem ra chợ bán với giá 8.000 đồng/kg. Số càng cua còn lại sẽ được chị Triều đem đi bỏ mối cho một số quán nhậu trên địa bàn thị xã Vĩnh Long với giá từ 15.000- 20.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ngày chị móc được khoảng 15kg cua. Sau khi trừ chi phí xăng dầu, chị cũng thu về được hơn 50.000 đồng/ngày.
Năm nay, chị Triều chuẩn bị “lên chức” bà ngoại. Giống như cha mình, chị vẫn không thể rời xa cái nghề móc cua “tuy cực mà vui”. 2 người con của chị cũng vậy, mặc dù đã có việc làm ổn định, nhưng những lúc rảnh rỗi họ cũng ra đồng “nối nghiệp” của mẹ và ông ngoại mình. Trước lúc chia tay, chị Triều nói với chúng tôi: Cái nghề “kỳ cục” này đã góp phần xoá đi cái nghèo của cha mẹ và nuôi lớn tôi nên người, thì làm sao tôi có thể bỏ hả các chú!”.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG










Những người ... hoài cổ

Ở thị trấn Bình Minh (Vĩnh Long ) hỏi nhà nghệ nhân Thanh Nhàn ai cũng biết. Bởi gia đình ông không chỉ nổi tiếng có truyền thống về hát bội mà còn là gia đình duy nhất ĐBSCL đã có thành tích cung cấp hàng trăm bộ phục trang cho nhiều gánh hát bội của khu vực và các nghệ sĩ nổi tiếng ở TPHCM.
+ Túng thế nên… thành nghề:
Khi chúng tôi đến nhà, cô Mai ( vợ nghệ nhân Thanh Nhàn) đang thoăn thoắt đưa từng đường kim mũi chỉ trên lớp vải được căng thẳng để kết xà cúc. Những hạt xà cúc li ti phải kết theo những đường nét đã được vẽ sẳn trên mặc vải là việc làm cực khó với nhiều người, nhưng đối với cô Mai là “chuyện nhỏ”. Đôi tay nhẹ nhàng uyển chuyển, chính xác đến từng chi tiết nhỏ của cô Mai khiến những người đứng xem cô làm việc đều thán phục. Theo tay cô, những đường nét cuối cùng của một con phụng hoàng hiện dần, rực rỡ trên mặt vải. Chỉ thoáng nhìn, ai cũng biết đây là chiếc áo dành cho những nhân vật nữ trong tuồng tích. Mắt vẫn chăm chú vào từng đường kim, mũi chỉ, cô Mai nói: “ Nghề này được gia đình chúng tôi làm gần 20 năm nay rồi. Chiếc áo này của một gánh hát bội ở Sóc Trăng đặt chúng tôi làm. Trong cái gia đình nghệ sĩ này, tất cả 5 nhân khẩu ai cũng biết may phục trang tuồng cổ”. Theo cô Mai, đây là cái nghề ít người làm và đang có xu hướng bị mai một nên gia đình cô gần như “độc quyền”. Hiện nay gia đình cô Mai là nguồn cung cấp trang phục chính cho những gánh hát bội của TPCHM và nhiều gánh hát bội ở ĐBSCL.
Gia đình Nghệ nhân Thanh Nhàn (tên thật là Võ Công Khanh, sinh năm 1955, ngụ ấp Đông Bình A, xã Đông Bình, huyện Bình Minh), đến với nghề may trang phục tuồng cổ cũng tình cờ. Ong Nhàn kể: Hai bên nội, ngoại của chúng tôi đều là nghệ nhân hát bội từ mấy đời nay. Những lần đi diễn, do trang phục hát bội của ông cha truyền lại ngày càng cũ kỹ nên thường bị… rách ngay trên sân khấu. Khán giả cười bò lăn bò càng nhưng diễn viên thì cực kỳ “quê độ”, mắc cở vô cùng. Nhưng hồi đó, muốn sắm một bộ đồ mới đâu có dễ, phải lặn lội lên tới TPHCM để mua nhưng không phải lúc nào cũng có vì ít có nơi bán, giá lại rất đắt. Suy tính mãi, cả “gia đình hát bội” của nghệ nhân Thanh Nhàn thống nhất: tự may trang phục. Nghĩ là làm, họ lấy những bộ trang phục hát tuồng cũ nát ra đo ni, xem hình, hí hoáy đo vẽ rồi cử người đi tận TPHCM mua vải, nút xà cúc bằng kim loại, kim tuyến… để bắt tay sản xuất trang phục tuồng.
“Những chiếc áo đầu tiên may xong không ai muốn sử dụng vì các đường chỉ bị co dúm, các hoa văn không giống ai, các nút xà cúc đặt méo xẹo méo xọ”, ông Nhàn cười. Cả nhà lại mày mò đo vẽ, cắt may. Rồi nghề không phụ người, không bao lâu gia đình chú Thanh Nhàn đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hoàn thành những bộ trang phục đẹp như ý. Vuốt ve chiếc bàn căng vải, giọng ông Nhàn âu yếm: “Cây căng vải này đã gắn bó với gia đình chúng tôi hơn chục năm nay rồi, giúp cho tôi hoàn thành hàng trăm bộ trang phục tuồng cổ. Nhờ nó mà những mũi kim không còn bị dúm dó như lúc ban đầu”.
+ Đất sống vẫn còn:
Ông Nhàn mở tủ lấy ra hàng chục bộ trang phục lộng lẫy, rực rỡ bởi lấp lánh những xà cúc kim loại, kim tuyến...trông rất đẹp mắt. Ngoài quần áo hát tuồng còn có mũ mão, giày, binh khí thập bát ban võ nghệ... Ông Nhàn giải thích: “Muốn may một chiếc áo cho một nhân vật nào đó, chúng tôi phải dựa theo phục trang của họ ghi trong tuồng tích, sách sử. Ơ mỗi triều đại, tuồng sử hay tuồng Tàu đều có mão, trang phục khác nhau. Cụ thể như: Bao Công thì phải đội mão có “thẻ ngang”, tượng trưng cho quan trung; Triều đại Tống có ông Bàn Hồng, cha của Hoàng Quý Phí là quan nịnh nên đội mão loại “bình thiên”; tướng võ trung kiên như Địch Thanh thì đội mão loại “ngạch đợi”...”. Để hoàn thành một chiếc áo cho nhân vật vua chúa, một người làm suốt ngày phải mất 2 đến 3 tuần lễ. Tuỳ loại phục trang mà xà cúc phải khâu vào vải từ 0,5 đến 1kg và giá cả của mỗi bộ trang phục cũng khác nhau, nhưng giá chót khoảng 1 triệu đồng. Mỗi năm gia đình chú Nhàn cung cấp cho các gánh hát bội trong khu vực và nghệ sĩ TPHCM khoảng 30 bộ trang phục. Theo nghệ nhân Thanh Nhàn, hiện nay gia đình ông “sản xuất” phục trang tuồng cổ gần như quanh năm, không ai đặt vẫn làm để giữ nghề.
Gần 20 năm qua, ngoài hàng trăm bộ trang phục hát bội cung cấp cho các đoàn, các nghệ sĩ, gia đình nghệ nhân Thanh Nhàn còn tích luỹ được 3 dàn trang phục với khoảng 150 bộ để cho nhiều gánh hát bội trong khu vực thuê mướn diễn tập. Nghệ nhân Thanh Nhàn cho biết: “Hàng năm vào khoảng từ sau tết Nguyên Đán đến tháng tư âm lịch, trong vùng có rất nhiều lễ hội nên thu nhập từ việc cho mướn 3 dàn phục trang cũng sống được...”. Trung bình mỗi một suất cho thuê, ông Nhàn thu nhập từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
Theo nghệ nhân Thanh Nhàn, hiện nay cả khu vực ĐBSCL có khoảng 50 gánh hát bội. Trung bình một bộ trang phục diễn tuồng chỉ 3-4 năm là bị xuống màu nên nghề may trang phục hát bội của gia đình ông vẫn còn đất sống.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG

Xoài tứ quí và dưa Tú thanh