Ông Bầu Răng thuộc một dòng tộc hát bội lớn nhất tỉnh Vĩnh Long đã giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật hát bội gần 70 năm qua. Ông tên thật là Huỳnh Văn Răng, 73 tuổi, hiện sống tại ấp An Hương, xã Mỹ An, huyện Mang Thít – tỉnh Vĩnh Long. Tính đến nay, dòng tộc của ông đã trải qua 5 đời trong nghề hát bội, người đi đầu là ông nội của ông, sau đó đến cha của ông là ông Bầu Sâm, đến ông và con rể, cháu của ông đã có trên 40 người đến với loại hình nghệ thuật này. Năm 2003, ông vinh dự được nhận huy chương Vì sự nghiệp văn hóa. Ông Bầu Răng nhớ lại: Vào những năm 1950, loại hình hát bội được bà con rất quý trọng, ghe hát đi đến đâu, bà con cổ vũ rất nhiệt tình đến đó, xem hát bội chật kín cả sân đình. Dần dần nhiều loại hình nghệ thuật như cải lương, phim ảnh, ca nhạc nổi lên, hát bội rơi vào bước thoái trào. Nhiều nghệ nhân hát bội rất vất vả, mỗi người phải tự tìm cho mình một nghề để kiếm sống, đồng thời gìn giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu.
Đa phần các nghệ nhân hát bội đều rất yêu nghề. Mặc dù theo nghề rất cực khổ, nhiều trường hợp biểu diễn ban ngày giữa cái nắng gay gắt mà các nghệ nhân phải khoác trên mình nhiều lớp trang phục dày cộm, khi hát phải đúng giọng điệu, múa kiếm, phi mã... mồ hôi đổ như tắm mà phải diễn cho đạt. Hầu hết những nghệ nhân hát bội đều được tập luyện từ nhỏ nên từng lời hát, điệu múa đã hòa trong máu huyết của mình.
Có thể nói, với lòng đam mê, yêu nghệ thuật hát bội nên nhiều nghệ nhân ở Vĩnh Long mới lưu giữ được loại hình nghệ thuật đang trên đường bị mai một. Các ông bầu đã cống hiến rất nhiều công sức của mình để quy tụ, giữ gìn loại hình nghệ thuật hát bội là: Bầu Đợt, Bầu Đây, Bầu Hạp, Bầu Giáp, Bầu Lụa, Bầu Sồm, Bầu Răng...
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế xã hội phát triển, vấn đề phục hồi và phát huy vốn văn hóa dân tộc được đề cao nên nhiều đình làng tổ chức các lễ hội có phần long trọng hơn, người dân cũng yêu mến loại hình hát bội trở lại. Những nghệ nhân hát bội phấn khởi hơn. Đặc biệt, mới đây, Vĩnh Long cử 5 nghệ nhân hát bội của Đoàn tuồng cổ Đồng Thinh đi biểu diễn tại Mỹ. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho ngành văn hóa- thông tin tỉnh Vĩnh Long mà cả với các nghệ nhân có tâm huyết, đã từng cống hiến nhiều cho hát bội. Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Tính đến nay, các bước chuẩn bị làm thủ tục đã hoàn tất. Lần này, “đem chuông đi đánh xứ người” các nghệ nhân hát bội Vĩnh Long sẽ tham gia lễ hội với trích đoạn “Tiết Giao đoạt ngọc”. Giới hạn thời lượng 45 phút với 5 lớp diễn: Võ Tam Tư xuất binh, Võ Tam Tư bại trận trở về tức giận, Nguyệt Cô kịch chiến với Tiết Giao, Võ Tam Tư đi tuần và Nguyệt Cô hóa cáo. 5 nghệ nhân gồm: Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Văn Hên, Huỳnh Thị Yến Linh, Phạm Văn Mười Một và Nguyễn Văn Thinh.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tốt (nghệ danh Vũ Linh Tâm, thủ vai Tiết Giao), trăn trở: được đi Mỹ tham gia lễ hội quốc tế là niềm vinh dự của cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Toàn bộ vở diễn đến 120 phút nhưng phải rút lại có 45 phút. Bằng mọi cách tất cả các nghệ nhân phải diễn hết sức mình, vừa đầy đủ cốt truyện vừa phải diễn xuất đầy đủ các tình tiết”. Còn chị Huỳnh Thị Yến Linh, thủ vai Nguyệt Cô, tâm sự: “Trong vở diễn này, Nguyệt Cô là nhân vật chính, đòi hỏi người diễn phải “hết mình” như các tình tiết: Nguyệt Cô nhổ viên ngọc người ra hay từ người hóa thành cáo. Đoạn này đòi hỏi người nghệ sĩ phải lột tả được cách biểu diễn vừa phải thể hiện tâm lý đấu tranh tư tưởng rất dữ dội. Mừng ít, lo nhiều, nhưng chúng tôi phải cố gắng hết mình để đem niềm tự hào về cho quê hương”.
Ông Nguyễn Xuân Hoanh, cho biết thêm: Nhiều tỉnh, thành khác có loại hình nghệ thuật hát bội rất hay, nhưng Vĩnh Long rất may mắn được chọn. Đây là niềm vinh dự cho những người làm nghệ thuật ở tỉnh nhà. Hy vọng, lần biểu diễn này thúc đẩy các nghệ nhân hát bội ở Vĩnh Long ngày càng quý trọng, lưu truyền và phát huy nhiều hơn nữa loại hình nghệ thuật hát bội đến với công chúng.
Nghệ nhân Việt Nam tham gia 11 loại hình di sản văn hóa
Bộ Văn hóa - Thông tin đã phê duyệt danh sách gồm 11 loại hình di sản văn hóa của 7 tỉnh thuộc lưu vực sông Mê Công của Việt Nam với tổng số 52 người, trong đó có 39 nghệ nhân, 10 cán bộ giới thiệu di sản văn hóa, 3 cán bộ lãnh đạo và tổ chức đoàn. Cụ thể: tỉnh Điện Biên có 1 người dân tộc Thái Đen với loại hình nghệ thuật làm dụng cụ đánh bắt thủy sản; tỉnh Kon Tum có 16 người dân tộc Ba Na Rơ Ngao tham gia 4 loại hình (Nghệ thuật Cồng chiêng, nghề đẽo thuyền độc mộc, nghề đan gùi và sử thi); tỉnh Vĩnh Long có 5 nghệ nhân người Kinh tham gia loại hình hát bội; TP Cần Thơ có 1 nghệ nhân người Kinh tham gia loại hình làm các loại bánh; tỉnh An Giang có 1 nghệ nhân người Chăm tham gia loại hình dệt chăm; tỉnh Sóc Trăng có 4 nghệ sĩ người Khmer tham gia loại hình nghệ thuật múa Rôbăm và tỉnh Bạc Liêu có 11 người dân tộc Kinh và Hoa tham gia 2 loại hình nghệ thuật là đờn ca tài tử và múa lân.
Bài, ảnh: NGUYÊN BÁ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét