Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Anh hai da tai o TV

Không phải là một kỹ sư, không phải là một nhà khoa học, nhưng nhiều người dân ở cồn Tân Quy mến phục anh Hai Tài như một người đã mang đến miền vui chung của quê hương mình bằng ngòi bút. Không phải là một cây bút chuyên nghiệp, không qua một trường lớp đào tạo báo chí nào, nhưng anh đã viết hàng trăm bài viết với hàng chục tác phẩm đoạt giải cao ở nhiều thể loại được phát sóng trên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM và một số báo đài trong khu vực ĐBSCL để khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh vùng đất cù lao hay giới thiệu cách làm ăn mới, hiệu quả của những nông dân sản xuất giỏi quê mình.



Để tìm đến nhà anh Hai Tài, từ trung tâm xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), chúng tôi xuống bến đò ngang sang sông qua cù lao Tân Quy (thuộc ấp Tân Quy 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh). Nơi từ lâu nổi tiếng với những vườn cây măng cụt trĩu quả, những vụ chôm chôm trái mùa và là xứ sở của “làng đoạt giải đấu xảo trái cây ĐBSCL”. Biết ý định gặp gỡ nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh Hai Tài đã đón chúng tôi tại bến đò. Nhìn những chuyến đò qua lại mỗi ngày, nhìn những cánh hoa lục bình trôi tim tím, anh chỉ tay về hướng giữa dòng sông, nói: Dòng sông xanh mát bao năm nay đã lắng tụ biết bao phù sa cho vùng đất cù lao, chính nơi đây đã cho tôi có được vốn suy nghĩ về những cảnh đời, cảnh người. Từ đó, tôi cũng đã suy tư và viết ngày càng say sưa hơn.
Có được những bài viết phát trên sống phát thanh, anh cũng đã phải có lòng đam mê và sự chịu khó học hỏi từ các mẫu chuyện trên báo đài, anh nhớ lại: “Nhân một dịp tình cờ vào năm 1998, lúc ấy khoảng 5 giờ sáng, tôi mở cái ra-đi-ô nhỏ xíu của tôi để nghe chương trình của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM để tìm hiểu về cách hướng dẫn nông nghiệp. Gần đến cuối chương trình thì có mục “kể chuyện xóm làng”. Tôi nghe chuyên mục này rất hay, bởi nhiều câu chuyện được kể trên đài vừa có tính hài hước vừa mang một ý nghĩa hết sức sâu xa mà ở quê mình cũng có tương tự như vậy. Trong phút chốc, tôi nhớ lại rất nhiều cảnh đời bắt gặp ở quê mình đã xảy ra trước đây. Tôi đã bắt đầu viết từ đó. Ban đầu tôi viết liền một mạch được 6 bài, may mắn thay phát được 4 bài, có một bài được đoạt giải B. Lần đầu tiên tôi lên tận TPHCM để lãnh giải. Mừng lắm ! Được giải thưởng lần đó đã thôi thúc cho tôi càng phấn đấu nhiều hơn nữa trong cách viết và cách nghĩ của mình…”. Câu chuyện “khó xử” đoạt giải B của anh Hai tài nói về sự tranh chấp một cây xoài giữa 2 gia đình. Ban đầu cây xoài nằm ngay ranh, ít trái, giá rẻ, mạnh ai nấy ăn. Nhưng khi xoài có trái nhiều, giá cao, 2 gia đình bắt đầu có ý định giành phần riêng của mình. Sau nhiều lần thưa kiện từ xã đến huyện vẫn chưa kết thúc. Cuối cùng câu chuyện cũng được giải quyết một cách êm đẹp nhờ bà con chung quanh, thể hiện được tình làng nghĩa xóm,…
Có thể nói, niềm vui lớn nhất của anh trong chuyên mục nông dân sản xuất giỏi của Đài tiếng nói nhân dân TPHCM năm vừa qua, trong số 31 tác giả, anh Hai tài có 3 tác phẩm loạt vào vòng 2. Kết quả, có một tác phẩm đoạt giải Ba viết về một nông dân sản xuất gỏi trên quê hương mình. Anh Hai tài tâm sự: “Tôi viết đâu có hay, nhưng nhờ mình nói lên được những cái hay, những cái đáng được trân trọng của những con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vươn lên trong cuộc sống, nhất là những người vượt qua số phận nghiệt ngã để gắn bó với quê hương, làm kinh tế giỏi để nuôi các con ăn học thành tài,… Bài viết được đoạt giải cũng là do tôi đã từng gắn bó với quê hương và thường xuyên tâm tình với những người hàng xóm, nên tôi đã hiểu được ước mơ cũng như tình cảm của họ”.
Từ đó, anh đã không ngừng tham gia các chương trình của đài với tất cả các chuyên mục như: “kể chuyện vui nông thôn”, “kinh nghiệm nhà nông”, “kể chuyện xóm làng”, dự thi “ca cổ lý hò vè”, “câu chuyện truyền thanh”, “Thoại vui nhà nông”, “hiến kế nhà nông”, “nhà nông đua tài”,… Hầu hết tất cả bài viết của anh đều được phát sóng. Tính đến nay, anh cũng đã có gần 50 bài viết được phát sóng trên đài. Chủ đề mà anh hai tài thường thể hiện trên bài viết của mình là chuyện về tình làng nghĩa xóm, chuyện thường gặp ở đời, nhất là những người làm ăn khá giả, có phương pháp hay trong vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cụ thể như những mô hình đa canh, xen canh cây măng cụt, xử lý chôm chôm mùa ngịch, giá cao,…
Mới đây, anh còn tham gia bình ảnh minh họa của chương trình Nhịp cầu nhà nông của Đài truyền hình Cần Thơ tổ chức hàng tháng. Ngoài ra, anh còn tham gia viết bài cho những mô hình nông dân sản xuất giỏi trên vùng đất cù lao, hầu hết bài viết đều được phát và được tăng nhiều ra-đi-ô và cát-sét,… Bên cạnh đó, anh hai Tài còn tham gia viết bài cho rất nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi ở tỉnh Vĩnh Long. Chú Nguyễn Văn Lập, ấp Tích Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, nói: “Bài viết về tôi của Hai Tài chẳng những được phát sóng trên đài mà còn được vào vòng 2 của cuộc thi nữa. Bà con ở đây ai cũng mến anh và gọi anh là anh hai “đa tài”. Vì ngoài việc viết gương điển hình, mô hình sản xuất giỏi hay những cách làm ăn biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân 2 tỉnh mà anh còn biết sáng tác bài ca cổ, hò vè và thơ văn,…”.
Anh Hai Tài tên thật là Đỗ Văn Tài, sinh năm 1956, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của cồn Tân Quy. Thuở nhỏ, Hai Tài học ở huyện Trà Ôn, tham gia viết báo tường, thơ văn và có cả rải truyền đơn. Năm 1975, Hai Tài về tham gia công tác ở xã An Phú Tân, làm kế toán, rồi chánh văn phòng Đảng uỷ xã ,… Từ năm 1982, Hai Tài về làm bí thư chi đoàn ở ấp Tân Quy 1, rồi trưởng ban đời sống ấp. Mới đây, anh được tín nhiệm làm chủ nhiệm hợp tác xã măng cụt Tân Thành. “Viết bài tham gia trên đài cũng chỉ là một cuộc vui để giải trí, đồng thời cũng để thoả lòng đam mê viết báo của mình. Bài nào được đọc trên đài lòng mừng không xiết vì nó đã phản ánh phần nào tìm năng, thế mạnh của quê hương mình. Nhất là, những bài viết của tôi để cho nhiều người nghe đài ở các tỉnh khác thấy rằng quê hương mình cũng có những cái hay, cái mới, những người nông dân sản xuất giỏi như bao người khác của khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung”, anh hai tâm sự.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG


Không có nhận xét nào: