Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Rủ nhau đi lấy...đất sét !

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 1 triệu tấn đất sét được khai thác để phục vụ sản xuất gốm mỹ nghệ, gạch ngói. Ước tính của ngành chức năng chỉ khoảng 20% sản lượng được khai thác hợp pháp.
Tình trạng khai thác đất sét bừa bãi ở Vĩnh Long đang diễn ra ngày càng phức tạp, tập trung chủ yếu ở huyện Mang Thít và huyện Long Hồ. Trong năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 84 lượt tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác đất sét với trữ lượng gần 220 ngàn m3. Trong khi đó, địa phương này có hàng trăm người đang khai thác đất sét từng ngày, từng giờ..
.
+ Ở đâu có đất sét là lấy:
Anh hai Sơn (ấp Cái Tranh, xã Mỹ An, huyện Long Hồ) đẩy nhẹ chiếc chẹt nhỏ ra phía ruộng cách tỉnh lộ 31 chừng 100m. Vừa đến nơi, anh cầm cây len đặt xuống mặt ruộng rồi xởn bỏ đi lớp mặt chừng 0,5 tấc. Sau đó, anh Sơn dùng cây nề (nề là cánh cung có hình chữ U, có căng cọng dây thép cở 3mm) xắn mỗi cục chừng 20kg đưa lên chẹt rồi đẩy vào trong mé lộ. Chiếc chẹt vừa di chuyển, anh Sơn vừa cho chúng tôi biết: mấy chú thấy đấy, cả khu vực này chỉ có một mình tôi lấy đất. Chứ khoảng 10 năm trước, cả tỉnh lộ này, cả khu vực này hễ nơi nào có lò gạch là nơi đó có khai thác đất sét. Miếng đất này được khai thác đất sét đến lần thứ 2 rồi. Tôi mua một lớp đất sét dày 40 cm với giá 4 triệu đồng một công. Thuê công nhân cùng tội đem đất vào cối ép gạch mỗi ngày khoảng 40.000 đồng. Còn tôi thì chủ yếu lấy công làm lời... Ơ phía lộ có sẵn một chiếc cối ép gạch, có người đứng chờ chuyển từng cục đất anh Sơn lấy từ ruộng đưa vào cối chạy ra thành những “mê” đất. Mỗi “mê” đất được chạy ra cỡ 6kg. Sau đó, được các công nhân chuyên chở đến các lò gốm, gạch bằng 2 phương tiện xe và ghe. Anh Hải, một chủ ghe chuyên chở đất sét thuê cho các lò gạch nói: ghe của chúng tôi được 10 tấn. Mỗi ngày, chúng tôi đi được 2 chuyến, mỗi chuyến trừ hết chi phí cũng còn lời được 100.000 đồng/chuyến. Hiện nay, ngày ngày trên dòng sông cổ chiên có hàng trăm ghe chở đất sét ngược xuôi để bỏ mối cho các hàng trăm lò gốm, gạch đang hoạt động từng ngày.
Chuyện lấy đất sét dọc tỉnh lộ 31 có chiều dài trên 30 cây số từ thị xã Vĩnh Long đến xã Chánh An của huyện Mang Thít bây giờ rất hiếm thấy. Hiện nay, nhiều chủ lò cũng như chủ ghe đi mua đất sét ở các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh. Còn khai thác trên địa bàn Vĩnh Long thì việc lấy đất sét phục vụ làm gốm, gạch được mở rộng sang các huyện khác như Tam Bình, Vũng Liêm và Bình Minh. Ong Năm Đạo, một người có kinh nghiệm trong việc khai thác đất sét ở huyện Mang Thít, cho biết: “Đất sét khai thác trên đồng có 3 màu rõ rệt: đất gò, nỗng sâu trong đồng có màu vàng đậm rất dẻ dặc, đây là đất làm gạch truyền thống, cho sản phẩm có màu đỏ đậm; đất mỡ gà, ít vàng hơn, cho sản phẩm có màu vàng đỏ; đất sét đen cho sản phẩm có` màu vàng sáng”.
+ Khai thác đất sét chỉ là tận thu:
Theo ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có khoảng 500 cối ép gạch (chạy đất ruộng thành mê) hoạt động từng ngày. Lượng đất sét ngày càng cạn dần theo thời gian. Trong đó có những chủ lò gạch có cả 2 chiếc cối ép gạch. Anh Vũ, chủ cở sở sản xuất gạch ngói Tân Tạo, cho biết: cơ sở chúng tôi chỉ chuyên làm gạch ngói nên có đến 2 cối ép gạch. Một cối chạy từ đất ruộng thành đất mê, cối thứ 2 chạy từ đất mê thành sản phẩm gạch ngói nên cơ sở phải khai thác đất liên tục. Nơi nào mua đất được là lấy để phục vụ sản xuất.
Ông Lê Hồng Trịnh, Trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Long, cho biết: hiện toàn tỉnh khu vực có sét, bề dày lớn hơn 1m là 2.707 ha. Có 2 cách khai thác đất sét là khai thác trắng và khai thác theo lớp. Những nơi khai thác trắng có năng suất lúa thấp chuyển mục đích sử dụng sang nuôi trồng thuỷ sản. Đối với cách khai thác theo lớp, mỗi lần lấy khoảng 0,3m đất sét. Trong thời gian 10 năm, lượng phù sa dù đắp trở lại có thể bằng bằng bề dày đất sét đã khai thác, chúng ta có thể khai thác tiếp tục. Do vậy, khai thác nguồn đất sét ở Vĩnh Long là chỉ là tận thu...”.
Bài bà ảnh: BÁ DŨNG

Không có nhận xét nào: