Tiếng đồn về một “quái kiệt” có thân hình tàn phế nhưng sửa chữa đồ điện tử “hay như thần” ở đất Cầu Ngang (Trà Vinh) khiến chúng tôi phải tìm về tận nơi
Hóa ra, ở cái xã Vĩnh Kim danh tiếng “quái kiệt” Lê Văn Hiếp (Út Hiếp) không dừng ở nghề sửa chữa điện tử. Dù hai tay, hai chân bị dị tật nặng, Út Hiếp vẫn sinh hoạt như người có tay chân bình thường! Đó là một con người điển hình vượt qua số phận nghiệt ngã.
+ Sửa điện tử, viết chữ bằng chân, hàn bằng miệng
Cạnh dốc cầu Vĩnh Kim thuộc xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang trên Quốc lộ 53 từ thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đi Duyên Hải có một căn nhà lá đơn sơ chưa đầy 30 m2. Đó là nơi tá túc và hành nghề sửa chữa điện tử của vợ chồng ông Út Hiếp. Nhà hẹp, đồ đạc đơn sơ nhưng radio, tivi, cassette, đầu máy và cả đầu đĩa chất ngổn ngang. Thấy khách đến, vợ chồng ông Út Hiếp niềm nở mời vào. Nhưng khi biết chúng tôi đến không vì mục đích sửa đồ điện thì hai ông bà cười xòa: “Lại nghe thiên hạ thêu dệt chứ gì”. Nói vậy, ông Út Hiếp vẫn sẵn sàng “biểu diễn” cho chúng tôi xem vài “tuyệt chiêu”...
Chân tay co rút do dị tật bẩm sinh từ nhỏ nhưng cách thức mà ông Út Hiếp sửa chữa điện tử khiến chúng tôi, những người chân tay lành lặn, phải nghiêng mình thán phục. Đôi chân tật nguyền với các ngón co rút, ông Út dùng một chân đè lên vật cần sửa để giữ thăng bằng, chân còn lại kẹp chắc chiếc tuốc-nơ- vít vặn từng con ốc nhỏ thuần thục đến mức điêu luyện. Xong, ông Út quay sang dùng miệng ngậm mỏ hàn, chấm chì và đưa chính xác vào những chỗ cần hàn trong bảng mạch điện tử nhỏ li ti, rối rắm. Đang tập trung dò theo từng chi tiết trong bảng mạch điện tử, chợt ông Út Hiếp buông mỏ hàn, bỏ tuốc-nơ-vít xuống và dùng chân gắp lấy gói thuốc lá đưa một điếu lên miệng. Cứ tưởng ông Út Hiếp sẽ nhờ bà vợ bật hộp quẹt nhưng không, vừa bỏ gói thuốc xuống là ông dùng chân gắp chiếc quẹt gas rồi quẹt đánh xoạch một cái, ung dung đưa ngọn lửa lên đốt thuốc. Rít vài hơi, ông Út lại dùng chân kẹp cái gạt tàn thuốc, gác điếu thuốc lên rồi tiếp tục múa đôi chân với những chiếc tuốc-nơ-vít. “Đồ điện tử có rất nhiều mạch điện nhỏ, chi li, đòi hỏi người sửa cũng phải rất tỉ mỉ”- ông Út cho biết. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Đèo, vợ ông, đôi chân của ông còn làm rất nhiều việc nhà ngoài việc sửa chữa điện tử. Đặc biệt là ông Út dùng chân viết chữ rất đẹp.
+ Vượt qua số phận nghiệt ngã
Tận mắt chứng kiến những màn biểu diễn ngoạn mục của ông Út Hiếp, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết ông đã có hơn 30 đệ tử ở các xã trong huyện và cả những huyện lân cận đến tầm sư học nghề sửa chữa điện tử. Từ một con người tàn phế, “quái kiệt” Út Hiếp đã phải nỗ lực rất nhiều mới có được thành quả hôm nay. Để sửa được hầu hết các loại máy điện tử, ông Út phải nghiên cứu nhiều loại sách, báo, từ đơn giản đến phức tạp, luôn cập nhật tài liệu của những loại máy mới, hiện đại dù ông chỉ học đến... lớp 7.
Ông Út Hiếp kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở ấp Cà Tum, xã Vĩnh Kim khi mới lọt lòng đã bị căn bệnh bẩm sinh co rút chân tay. Chín tuổi, tôi mới bắt đầu học lớp một do... thân hình không giống ai nên gia đình không có ý định cho đi học, vì nghĩ “với bộ dạng tàn phế thế này, thằng Út có học được kiến thức “đầy đầu” thì cũng chẳng làm được tích sự gì”. Nhưng với nghị lực bản thân, quyết tâm vượt qua số phận, không mặc cảm với chính mình, cậu học trò Lê Văn Hiếp không những không bỏ học ngày nào, mà rất siêng học và ngày càng chứng tỏ mình là một học sinh thông minh, thích khám phá. Nhưng học đến lớp 7 thì cậu học trò ham mê đọc sách phải ngậm ngùi rời ghế nhà trường vì gia đình quá khó khăn.
Ở nhà, lê lết tới lui riết rồi cũng buồn nên Út Hiếp hết phá cái này đến phá cái khác. Có lần, cậu bé Hiếp lấy cái radio nhỏ xíu ra phá đến hư nên bị gia đình “dần” cho một trận. Ăn đòn xong, tức quá cậu Hiếp tật nguyền liền bắt tay vào việc sửa chữa lại cái máy đó để chứng tỏ mình là người “được việc”. Ngờ đâu, chỉ một lát chiếc máy lại hát hò được bình thường. Vậy là, từ đó cậu học trò Út Hiếp bám dính vô nghề sửa chữa điện tử. Không tiền, đi lại khó khăn, Út Hiếp nhờ người thân, bạn bè tìm sách báo về điện tử để đọc và thực hành. Chỗ nào không hiểu, Út Hiếp nhờ những người bạn biết nghề chỉ dạy thêm. Khi tay nghề kha khá, Út Hiếp bắt đầu “ra nghề”. Ban đầu chỉ sửa những cái đơn giản cho bà con gần nhà và thường chỉ sửa giùm, ai cho bao nhiêu thì cho; lâu dần quen nghề, quen tay nên sửa được nhiều mặt hàng điện tử cao cấp. Từ đó “tiếng lành đồn xa” nên công việc sửa điện tử của Út Hiếp ngày càng được nhiều người biết đến. Thấy vậy, Út Hiếp liền dời nhà ra chợ xã để hành nghề. Điều đặc biệt ở ông Út Hiếp là ông luôn thật tình với khách hàng, hư đâu sửa đấy, giá bao nhiêu lấy bấy nhiêu nên khách đến cửa hàng ông ngày một đông. Cũng nhờ tiếng tăm “quái kiệt sửa chữa điện tử” mà năm 1980 cô Nguyễn Thị Đèo, quê ở xã Đức Mỹ (huyện Càng Long) đã mến tài, tình nguyện về “nâng khăn sửa túi” cho ông, bất chấp sự can ngăn, dị nghị của gia đình và dư luận. Vợ ông tâm sự: “Biết tôi thương anh Út, ban đầu nhiều người phản đối dữ lắm, nhưng sau đó cũng chấp nhận. Tôi thương anh ấy là ở tấm lòng. Mặc dù là một người tật nguyền nhưng tấm lòng rất tốt, sống chan hòa, biết lo làm ăn”.
Bây giờ ở Trà Vinh, nói đến “quái kiệt” Út Hiếp, những cửa hàng điện tử ai cũng biết và đều nể phục. Nghe Út Hiếp điện thoại thiếu linh kiện, phụ tùng nào đó là các chủ cửa hàng nhanh chóng chuyển đến ngay. Họ nói: “Giúp đỡ một người như ông Út Hiếp, chúng tôi không có gì phải đắn đo, bởi đó là tấm gương vượt qua số phận điển hình, đáng để noi theo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét