Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Săn...đại thụ !

Ba năm trở lại đây, thú chơi…kiểng cổ ở ĐBSCL trở nên rầm rộ và phát triển hơn bao giờ hết. Ở hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đều có hàng chục điểm dự trữ những cây kiểng cổ lớn nhỏ, có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm. Các nghệ nhân đổ xô nhau về vùng sâu, vùng xa ở khắp nơi để lùng sụt, tranh nhau mua cho bằng được những cây kiểng gọi là đại thụ này. Bởi hiện nay thú chơi kiểng cổ thụ đang là “mốt” chơi của các bậc đại gia… Ngay như ở Vĩnh Long cũng có gần 10 điểm vựa những cây đại thụ cao ngất trời…
+ Lùng sụt hàng “độc”:
Do mê chơi kiểng cổ và muốn có một địa điểm hấp dẫn để trưng bày, quảng cáo, ông Võ Thành Nam (chín Mù U), quê từ tỉnh Đồng Tháp đến thuê một mặt bằng khá đẹp cặp quốc lộ 1A (thuộc ấp Tân Bình, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) để mở rộng kinh doanh. Ông Nam, bộc bạch: “Tôi chơi kiểng từ khi còn nhỏ, có hàng chục năm trong nghề kinh doanh cây kiểng. Mấy năm trở lại đây, kiểng mini và kiểng vừa không còn đắc hàng như trước nữa. Bây giờ, họ chỉ thích chơi…đại thụ. Từ đó, những nhà kinh doanh như cũng tôi cũng dần chuyển nghề theo. Tuy săn tìm hàng độc rất cực khổ, nhưng thu lời cũng khá cao. Thị trường thích cây gì là chúng tôi có cây đó để đáp ứng nhu cầu…”. Hiện tại ông Nam sở hữu trong tay trên 20 cây đại thụ với hàng chục ngàn cây rừa, nắm trong tay hàng tỉ đồng. Trên quốc lộ 53 (thuộc ấp Long Thuận, huyện Long Hồ), điểm dự trữ đại thụ của ông Lê Văn Xê (Ba Xê) có trên 200 cây kiểng gọi là đại thụ, có tuổi đời từ hàng chục năm đến hàng trăm năm. Trong đó có trên 70 cây trên 100 năm tuổi. Ong Ba Xê chỉ tay vào cây nguyệt quế cao ngất trời với bộ rễ chằng chịt, uốn éo nói: “Đây là cây kiểng quý, chúng tôi vừa mua về từ TPHCM với giá gần 100 triệu đồng. Những ngày qua, có hàng chục đại gia đến gạ hỏi mua với giá 120 triệu đồn nhưng tôi vẫn chưa bán. Bởi phí vận chuyển và bào đảm cây sống khi về nhà người mua thì chúng tôi vẫn chưa có lời. Ngoài ra, với các cây như rừa, sanh,…những cây dễ sống cũng có giá từ hàng chục triệu đồng. Ở Trà Vinh, ông Trần Văn Đức (huyện Trà Cú) hiện cũng đang sở hữu trên 100 cây đại thụ có bề hoành từ 200-700 cm với giá từ 5 triệu đến 50 triệu. Theo những nghệ nhân này, hiện tại Trà Vinh, Hậu Giang và Sóc Trăng là 3 địa phương ở khu vực ĐBSCL còn nhiều cây đại thụ nhất. Bởi lẽ, loại cây này thường có trong những khu vườn rậm, ít người ra vào, vùng sâu, vùng xa…
Hiện nay, tại TP. Cần Thơ chạy dài từ Quốc lộ 1A, đến lộ 91B nối dài đâu đâu cũng thấy các điểm “tập kết” những cây kiểng cổ thụ to đùng, cao sừng sững khỏi đầu người được các thương lái mua từ các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Vĩnh Long về để dự trữ xuất đi các tỉnh miền đông và cả miền trung. Những gốc bằng lăng, cây sộp, cây sanh có bề hoành hai người không tài nào ôm xuể. Hai Thum chuyên sống bằng nghề kinh doanh cây kiểng hàng chục năm nay ở Cần Thơ bật mí cho chúng tôi biết: “ Chỉ cần mỗi chuyến đi tìm kiếm được từ một đến hai cây kiểng cổ thụ là nắm chắc phần lời năm mười triệu như chơi. Bây giờ mà kinh doanh các loại kiểng nhỏ xem như đã lỗi thời, khó “ăn” hơn trước đây”.
+ Giá cũng… “đại gia”:
Anh Hùng (TP Cần Thơ) trước đây chỉ kinh doanh các loại kiểng nhỏ, bây giờ thì chuyển sang kinh doanh kiểng cổ thụ cho biết: “ Thông thường tùy vào giá trị của từng loại cây mình ngả giá, thường chỉ gói gọn trong khoảng từ hai chục triệu chở lại. Kinh doanh mặt hàng này nặng nhất là vốn, kế đến là khâu vận chuyển do quá cồng kềnh và chăm sóc. Mỗi một cây như vậy khi mua về phải dưỡng ít nhất là hai tháng mới bán được, giá bán thì vô giá, trả cỡ nào cũng đều “dính chấu””. Chúng tôi đến một điểm bán kiểng cổ thụ nằm trên lộ 91 B nối dài, trong vai người mua kiểng hỏi thử giá một gốc bằng lăng. Được ông chủ ở đây hét giá lên đến mười lăm triệu đồng, giá mỗi cây sanh, cây sộp từ 10 đến 20 triệu đồng. Mặc dù trước đó một người quen cho biết giá mua mỗi loại cây này không quá 4 triệu. Thấy chúng tôi có vẽ lưỡng lự, ông chủ này liền hạ giá mỗi cây xuống hai triệu đồng xem như bán làm…quen.
Để tìm được hàng “độc” như: cần thăng, kim quít, khế, vạn niên tùng… , các nghệ nhân này phải chia quân ra nhiều hướng, đi gạ hỏi “nằm lì” tại những nơi có cây quý. Đôi khi phải đi tới, đi lui mấy tháng trời năn nỉ chủ nhà khàn cả cổ họng mới mua được cây mình ưng ý. Điểm dự trữ kiểng cổ thụ trên Quốc lộ 1A, qua khỏi bãi rác số mười chừng vài trăm thước được xem như là điểm dự trữ lớn nhất ở Cần Thơ. Nơi đây rộng mênh mông, có hàng trăm cây các loại, đa phần là hàng “độc” có tuổi thọ trên trăm năm nào là bằng lăng, khế, nguyệt quế… . Do mặt hàng này lợi nhuận quá cao, những ông chủ kinh doanh tận dụng luôn cả khoảng sân ở nghĩa trang liệt sĩ của thành phố làm luôn điểm tập kết kiểng cho riêng mình. Còn tại điểm bán kiểng trong lộ 91 B nối dài, nơi này đang sở hữu một gốc sung “kỷ lục” trên một trăm năm.
Do giá của mỗi cây kiểng cổ thụ được bán từ vài chục, có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Nên loại kiểng này rất “kén” người chơi, chủ yếu chỉ dành riêng cho các cơ quan nhà nước, với mấy đại gia, dân thường không tài nào rớ vô nỗi. Có một số người thì chơi kiểng xem như là một sở thích thật sự. Nên giá của những cây đại thụ này cũng thuộc loại giá… “đại gia”.
Bài và ảnh: BÁ DŨNG

Không có nhận xét nào: